Theo Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023), cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) được xác định sẽ nâng cấp trở thành cửa khẩu quốc tế trong giai đoạn 2021 - 2030. Hiện đang có những bước chuẩn bị rất tích cực để cửa khẩu Chi Ma có thể đáp ứng được những mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tích cực chuẩn bị
Cửa khẩu song phương Chi Ma thuộc xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn có quy mô diện tích 152ha. Đối diện là cửa khẩu Ái Điểm thuộc trấn Ái Điểm, huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc. Cặp cửa khẩu này được Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc tổ chức Lễ công bố trở thành cặp cửa khẩu song phương vào tháng 9/2018.
Cửa khẩu Chi Ma nằm gần tuyến đường 4B kết nối Lạng Sơn và Quảng Ninh - tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp và cảng biển. Do đó, có ưu thế rất lớn trong việc phát huy giữa cửa khẩu đường bộ và cảng biển. Cửa khẩu song phương Chi Ma đã quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình đáp ứng các điều kiện của Chính phủ như: Khu vực thực hiện thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; Khu vực làm việc của cơ quan nhà nước liên quan; Khu vực dành cho các hoạt động dịch vụ, bến bãi, kho hàng đảm bảo hoạt động bảo quản hàng hóa.
Cửa khẩu song phương Chi Ma thuộc xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
Tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống đường nội bộ khu vực cửa khẩu gồm trục chính, nhánh Đông, nhánh Tây; Tuyến đường bộ đấu nối qua biên giới giữa Chi Ma với Ái Điểm và hiện đã phân luồng đường giao thông dành riêng cho xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh, hoàn thành dự án cải tạo mở rộng tuyến đường xuất, nhập khẩu hàng hóa lên 4 làn (2 làn xuất, 2 làn nhập) trong năm 2023.
Hiện nay, tại cửa khẩu Chi Ma có 7 dự án được Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu với tổng sức chứa khoảng 800 -1000 container, 4 kho ngoại quan (trong đó có 2 kho đang tạm dừng hoạt động) đáp ứng tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp.
Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng được đồng bộ, bố trí lực lượng, trang thiết bị phù hợp, phục vụ tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của cửa khẩu Chi Ma.
Phát huy tiềm năng sẵn có
Theo ông Vũ Quang Khánh – Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma đạt 13.327 lượt xe, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023, gấp khoảng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi phát sinh dịch COVID-19).
Ông Đoàn Tuấn Anh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma.
Ông Đoàn Tuấn Anh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma cho hay, dư địa phát triển dịch vụ tại cửa khẩu Chi Ma còn rất lớn, hiện nay tại Chi cục, số lượng hàng hóa nhập khẩu chỉ đạt 40 đến 60 xe/container mỗi ngày (so với thời kỳ cao điểm là 80 đến 100 xe/ngày). Với 7 địa điểm kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung, có thể đáp ứng cho khoảng 800 đến 1.000 phương tiện vận tải dừng đỗ, bốc xếp, sang tải hàng hóa… Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma có 51 cán bộ công chức, được đào tạo cơ bản, đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ khi lượng hàng hoá, phương tiện chở hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tăng đến trên 500 phương tiện/ngày.
Bên cạnh đó, tại cửa khẩu Chi Ma có rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống kho bãi, địa điểm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu quy mô lớn, điển hình trong số đó là Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất nhập khẩu tổng hợp Chi Ma HTT. Hiện nay Công ty Chi Ma HTT đang sở hữu, triển khai dự án mặt bằng kho bãi, 2 kho ngoại quan, công viên cây xanh,… trong khu vực Cửa khẩu Chi Ma với tổng diện tích hơn 8,6ha. Năng lực thông quan hàng hoá của Công ty Chi Ma HTT có thể đáp ứng 400 xe/ngày/ 1 chiều. Tuy nhiên, trên thực tế, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sản lượng hiện tại cả cửa khẩu Chi Ma chỉ ước đạt khoảng 60 xe/ngày/1 chiều. Công ty cũng chú trọng vào đầu tư, nâng cấp 2 kho ngoại quan đang hoạt động tại cửa khẩu để phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Ông Mai Đức Trung (Áo kẻ) – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất nhập khẩu tổng hợp Chi Ma HTT.
Ông Mai Đức Trung – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất nhập khẩu tổng hợp Chi Ma HTT chia sẻ: “Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các đối tác Trung Quốc, Công ty Chi Ma HTT đã kết nối được cho hàng trăm khách hàng 2 nước giao lưu thương mại hàng hoá, qua đó góp phần tăng thu ngân sách nộp thuế cho tỉnh. Ngoài ra, Công ty Chi Ma HTT còn góp phần tạo ra hơn 150 việc làm ổn định cho lao động tại địa phương khu vực kinh tế đặc biệt khó khăn”.
Trong giai đoạn sắp tới, cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc) sẽ được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, phát triển kho bãi và dịch vụ logistics cho thương mại điện tử. Trong bối cảnh đó, Công ty Chi Ma HTT đã và đang có những bước chuẩn bị rất tích cực, hoàn thiện bộ máy quản lý và áp dụng các cải tiến mô hình quản lý 4.0 như phần mềm quản lý kho ngoại quan, kho bãi tập kết hàng hóa, đẩy mạnh đầu tư các nhà kho, áp dụng các tiêu chuẩn mới nhất để đáp ứng nhu cầu hàng hoá chuyên biệt, cải tiến áp dụng các thiết bị cơ giới hoá trong quá trình bốc xếp hàng hóa,… đặc biệt là lên kế hoạch tham gia các chương trình xúc tiến thương mại giữa 2 nước của chính quyền tổ chức cũng như các hội doanh nghiệp xúc tiến để có thể kết nối nhiều hơn nữa các doanh nghiệp 2 nước giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa.
Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đang tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045, tỷ lệ 1/5000 nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma thành cửa khẩu quốc tế gắn liền với đô thị Chi Ma hình thành trong tương lai, là khu kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, có tầm quốc tế, là một cực tăng trưởng quan trọng phía Đông tỉnh Lạng Sơn. Xây dựng một trung tâm lưu kho ngoại quan và phân phối hàng hóa được ưu đãi thuế cho các sàn thương mại điện tử, trên cơ sở tận dụng tiềm năng về cơ sở hạ tầng sẵn có và kết nối giao thông với các cảng của tỉnh Quảng Ninh để đáp ứng nhu cầu của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki về nhập nguồn hàng gia dụng với số lượng lớn từ Trung Quốc. Mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất bãi đỗ xe hiện tại tại cửa khẩu Chi Ma với hệ thống kho chứa, không gian và thiết bị sang tải, khu tái đóng gói để đáp ứng cho nhu cầu ngày một tăng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc cửa khẩu Chi Ma. Xây dựng Chi Ma là một trong các cửa khẩu xuất khẩu hàng nông sản chính sang thị trường Trung Quốc để giảm tải cho các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Xây dựng và phát triển chợ đầu mối về vật liệu xây dựng. Đầu tư xây dựng cổng cửa khẩu, nâng cấp, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hóa. Thực hiện đầu tư các hạng mục để nâng cấp Co Sa thành lối thông quan thuộc cửa khẩu Chi Ma.
Khu vực làm thủ tục Hải quan cửa khẩu Chi Ma.
Sau khi Quy hoạch này được phê duyệt, phạm vi cửa khẩu Chi Ma sẽ được mở rộng từ 152ha lên 535ha, theo đó sẽ tập trung phát triển kho bãi và dịch vụ logistics cho thương mại điện tử tại cửa khẩu Chi Ma.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!