Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân năm nay ở mức 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép; phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng và phấn đấu đạt các mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết của Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng để giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch. Trong đó, gói hỗ trợ tài khóa có quy mô tới 291.000 tỷ đồng, bao gồm: giảm thuế, phí, lệ phí; đầu tư phát triển về y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Năm trước Công ty Cổ phần 22 nộp 15 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng và dự kiến năm nay sẽ nộp cao hơn. Nhưng từ đầu tháng 2, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, thuế giá trị gia tăng được giảm từ 10% xuống còn 8% sẽ giúp doanh nghiệp giảm hơn 3 tỷ đồng tiền thuế. Đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
"Chúng tôi sẽ bán được nhiều sản phẩm, từ đó doanh thu tăng lợi nhuận và năm 2022 chắc chắn việc làm của người lao động sẽ ổn định hơn", Đại tá Tạ Cao Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần 22 cho hay.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng được xem như đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội. Qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.
Nghị quyết của Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng để giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch. Ảnh minh họa.
TS Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp cho biết: "Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích thích đầu tư nước ngoài bởi khi chúng ta ưu đãi thuế và phí sẽ giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt các nguyên liệu đầu vào cũng có thể được giảm trực tiếp giúp cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tích cực trong năm tiếp theo".
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu Nghị quyết đã đề ra phải ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh và tập trung vốn cho các dự án đầu tư công quan trọng, cấp thiết, qua đó tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.
"Hỗ trợ được tập trung cho y tế sẽ giúp chúng ta chủ động phòng chống dịch và mở cửa kinh tế an toàn để hội nhập kinh tế thế giới. Chúng ta đầu tư vào lĩnh vực then chốt hạ tầng giao thông sẽ không chỉ giúp kết nối giao thông tạo nguồn lực phát triển, mà còn lan tỏa sang các ngành khác của nền kinh tế và phát triển lâu dài. Như vậy, vừa mở cửa kinh tế chủ động vừa tăng cường các nguồn lực cho các ngành lĩnh vực phát triển sẽ tạo bứt phá của nền kinh tế trong năm 22 cũng như các năm tiếp theo", ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nhấn mạnh phải điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn đảm bảo lạm phát được kiểm soát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!