Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh

VTV Digital-Thứ ba, ngày 05/11/2024 07:24 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Đây là 1 con số lớn cho thấy cả tín hiệu vui và chưa vui.

Ngày 4/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Các đại biểu nhận định dù năm nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khá ấn tượng về mọi mặt, có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất các giải pháp, đó là cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8 năm nay đã có hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho ý kiến: "Những thủ tục hành chính không cần thiết rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa chiếm 18,9% trong số các thủ tục được rà soát".

Những thủ tục kinh doanh không cần thiết, chính là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Và để hạn chế tối đa tình trạng cứ ban hành thủ tục rồi lại rà soát cắt giảm, các đại biểu cho rằng cần tập trung rà soát ngay từ khâu ban hành quy phạm pháp luật. Không ban hành các điều kiện kinh doanh quá khắt khe. Cần các giải pháp đột phá mạnh mẽ về thể chế, thể hiện tinh thần kiến tạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Ông Lã Thanh Tân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cho rằng: "Thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh, Nhà nước nên sử dụng các biện pháp khác như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Hoặc dùng các biện pháp quản lý khác như quy định các yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường. Quy định các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các hành vi vi phạm".

"Tôi rất mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay ví dụ như: Các dự án chậm triển do triển khai các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ để đề xuất tháo gỡ. Có thể ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể", ông Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận kiến nghị.

Các đại biểu cũng đề xuất cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, để tạo động lực khích lệ doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp. Với mục tiêu năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước