Cắt giảm thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư

VTV Digital-Thứ tư, ngày 30/10/2024 22:29 GMT+7

VTV.vn - Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

Sáng 30/10, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, sau đó tiến hành thảo luận tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, hay còn được gọi là dự án 1 luật sửa 4 luật.

Tinh thần chung toát lên ở dự luật này được nhiều đại biểu đánh giá cao đó là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

Để đầu tư xây dựng một khu công nghiệp, chủ đầu tư đã phải hoàn thành một lượt các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Nhưng đến khi đến các nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng các nhà máy ở bên trong thì lại tiếp tục phải đi thêm một vòng nữa để làm lại toàn bộ các thủ tục này. Thống kê cho thấy trung bình nhà đầu tư phải mất đến 260 ngày, tức gần 9 tháng để làm các thủ tục liên quan. Hay với một dự án PPP muốn được phê duyệt phải có 2 báo cáo đánh giá tác động môi trường, một bản riêng và một bản nằm trong hồ sơ nghiên cứu khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nêu ý kiến: "Tôi đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường chỉ là một trong các tài liệu kèm theo, không nằm trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án PPP".

Ngoài việc cắt giảm thủ tục đầu tư, dự luật cũng đề xuất tiếp tục áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT để thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, khi hình thức này vốn dĩ đã phải dừng lại từ đầu năm 2021, khi Luật PPP có hiệu lực.

Ông Nguyễn Như So, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho hay: "Thay vì ràng buộc quyền khai thác dự án đối ứng và tiến độ BT, Nhà nước có thể thiết lập các cam kết trên cơ chế kiểm tra, đánh giá để đảm bảo các dự án BT được triển khai đúng tiến độ".

Xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm, tư duy xin cho, quyền anh quyền tôi níu kéo trong một số quy định hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc xây dựng luật lần này không chỉ để quản lý như trước, mà quan trọng hơn là kiến tạo, thúc đẩy sáng tạo và mở ra không gian phát triển mới.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Đầu tư nó như cái lòng bàn tay, mình tạo được ra cái vùng trũng như thế nào thì nước nó chảy về như thế. Còn nếu chúng ta không tạo được cái vùng trũng này thì các nhà đầu tư cũng không về với chúng ta, chúng ta sẽ mất đi các cơ hội".

Việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các đơn vị thực thi, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng được đưa vào tối đa trong dự luật lần này.

Linh hoạt trong bố trí vốn thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng

Cắt giảm thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Việc tăng vốn Nhà nước tham gia lên 70% có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thu hút các nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án.

Trong ghi nhận trên tại các tổ thảo luận sáng 30/10, nội dung đề xuất tiếp tục triển khai loại hợp đồng BT, tức nhà đầu tư sẽ xây dựng công trình hạ tầng rồi chuyển giao lại cho cơ quan có thẩm quyền quản lý khai thác, đổi lại nhà đầu tư sẽ được giao đất để kinh doanh đã nhận được nhiều sự quan tâm.

Ngoài ra, một quy định khác trong luật PPP về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia tối đa 50% tổng mức đầu tư dự án, được đề xuất nâng lên thành 70% cũng được cho sẽ tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án gặp nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng. Câu chuyện ghi nhận tại dự án cao tốc kết nối 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Chỉ hơn 1 tháng sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm nâng tỷ lệ góp vốn Nhà nước lên 70%, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được khởi công, sau gần 4 năm không thu xếp được vốn.

"Việc tăng vốn lên 70% có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thu hút các nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án, thứ 2 là các tổ chức tín dụng họ thấy dự án đủ hấp dẫn, đủ an toàn về tài chính thì mới cho vay", ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay.

Ông Hoàng Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: "Nó sẽ đẩy nhanh được tiến độ của dự án và giảm bớt khó khăn cho tỉnh cũng như cho dự án".

Đề xuất điều chỉnh tỷ lệ tham gia của vốn Nhà nước và tư nhân từ 50/50 lên 70/30 tại dự án 1 luật sửa 4 luật được cho là tư duy linh hoạt. Khi đó, lượng vốn mà nhà đầu tư bỏ ra ít hơn sẽ giúp họ dễ dàng bố trí vốn hơn, đặc biệt cho các dự án ở những vùng khó khăn.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Tỉ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án để làm công tác về hạ tầng chung, phụ trợ không vượt quá 50%. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt như vốn giải phóng mặt bằng cao, cần đầu tư công nghệ mới, thì tỉ lệ vốn nhà nước có thể lên đến 70%".

Trong hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo mô hình này, với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng.

Với tư duy mới trong xây dựng pháp luật, các dự án luật được xác định sẽ là luật khung, mang tính nguyên tắc, còn những thay đổi, phát sinh trong thực tiễn sẽ cố gắng giao cho Chính phủ và các đơn vị thực thi xử lý để đảm bảo hiệu quả cao hơn. Dự kiến, dự án 1 luật sửa 4 luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình rút gọn trong 1 kỳ họp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước