Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất là một phần không thể thiếu của phát triển công nghiệp bền vững
Tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam rất lớn nhưng cần thận trọng
Chiều 12/3, Cuộc hội thảo với chủ đề "Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai" đã diễn ra tại nhà máy Sơn Hà Bắc Ninh với sự tham gia của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương; TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Năng lượng tái tạo; Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà, Đại sứ Giờ Trái Đất 2019. Cuộc hội thảo lần này là một trong những hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất 2019 với thông điệp "Save Energy, Save Earth - Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất".
Các khách mời đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam; và kiến giải cơ bản về một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và thân thiện với môi trường, giúp nguồn cung điện bớt phụ thuộc vào các nguồn truyền thống.
Cuộc hội thảo với chủ đề "Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai" diễn ra chiều 12/3
Chiến lược phát triển năng lượng Xanh là giải pháp để các quốc gia vượt qua thách thức nghiêm trọng của việc tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng thay thế khác đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng của các quốc gia. Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đang dần cạn kiệt và gây ra những hệ lụy về biến đổi khí hậu (việc khai thác than tác động lớn đến phát thải khí nhà kính). Đây là hậu quả tất yếu của việc khai thác quá mức các nguồn năng lượng hóa thạch mà quên đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo văn phòng Tổ chức kiểm soát năng lượng Anh (EWG), dưới lòng đất hiện còn khoảng 1.255 tỉ thùng dầu, đủ để cho con người sử dụng trong 42 năm. Với tốc độ khai thác như hiện nay, thế giới chỉ sản xuất được 39 triệu thùng/ngày vào năm 2030, so với 81 triệu thùng/ngày như hiện nay và trong vòng 50 - 60 năm nữa, nguồn dầu lửa dưới lòng đất sẽ hoàn toàn cạn kiệt.
Sức ép từ việc cạn kiệt các nguồn nguyên liệu hóa thạch đã tạo ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vào tháng 6/2017, tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000 MW, điện mặt trời khoảng 340.000 MW.
Tại cuộc hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Năng lượng tái tạo đã chia sẻ những ưu việt của năng lượng tái tạo là không phụ thuộc giá đầu vào như dầu khí nên không gây ra bất ổn, nguồn cung cấp từ tự nhiên và nguồn năng lượng vô tận khác than, dầu khí sẽ hết trong vài chục năm tới.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung Tâm Phát triển Năng lượng tái tạo cho rằng Việt Nam nên phát triển thận trọng các nguồn năng lượng tái tạo
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững đánh giá năng lượng tái tạo rất thân thiện môi trường nhưng có hạn chế là tiềm năng kinh tế. Dù vậy, chi phí sử dụng năng lượng tái tạo đã giảm đi nhiều trong thời gian qua nhờ sự phát triển của công nghệ.
Hiện tại, Việt Nam đã có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Trước câu hỏi liệu rằng Việt Nam chỉ nên sử dụng năng lượng tái tạo khi thu nhập cao, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng nhận định này là chưa hợp lý: "Chúng ta nên phát triển thận trọng. Nếu phát triển ồ ạt vào bây giờ, chúng ta sẽ gặp phải điều kiện công nghệ phát triển cao dẫn đến rủi ro. Nhưng chúng ta phải phát triển để có bước đà để cất cánh, còn cất cánh sớm hay muộn thì còn nhiều yếu tố. Tiềm năng năng lượng tái tạo Việt Nam phải tốt thì mới khai thác. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên phát triển và nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ đẩy nhanh lên".
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vào tháng 6/2017, tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000 MW, điện mặt trời khoảng 340.000 MW. Bên cạnh năng lượng gió và mặt trời, Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nên có nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển sản xuất năng lượng sinh học. Với những tiềm năng to lớn này, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch.
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà cho biết, đơn vị này đang triển khai nhiều dự án hợp tác với các tập đoàn lớn của quốc tế như hợp tác với Pháp để xây dựng cánh đồng năng lượng mặt trời SoLaFarm tại miền Trung; hợp tác với tập đoàn WEGEN của Đức để đưa ra sản phẩm pin mặt trời lắp đặt trên hàng triệu mái nhà...
Theo tính toán từ bộ phận kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Đức, với chi phí sản xuất 40 triệu đồng, trong 5 năm người dân có thể thu hồi vốn, trong khi tuổi thọ của thiết bị mà WEGEN cung cấp lên đến 25 năm.
Tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mang tính then chốt
Một trong những cam kết mạnh mẽ của Chiến dịch Giờ Trái đất hàng năm là truyền thông thúc đẩy ý thức tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất của các nhà máy, doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân bởi đây là khu vực có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất.
Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất là một phần không thể thiếu của phát triển công nghiệp bền vững, tăng hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu và giảm phát thải môi trường cho các doanh nghiệp. Theo các nghiên cứu gần đây của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng hiện còn rất lớn, trong đó các ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao là xây dựng, giao thông, sản xuất công nghiệp, dịch vụ…
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của nước ta đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức khá cao trong giai đoạn tới, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu sang nước nhập siêu về năng lượng sơ cấp và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng. Thực hiện tốt công tác này sẽ bảo vệ môi trường sống, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng giúp tiết kiệm ngoại tệ, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn chia sẻ, Tập đoàn Sơn Hà đã áp dụng thành công những biện pháp kiểm soát tiêu thụ năng lượng trong sản xuất đạt được kết quả tiết giảm đến 20% chi phí năng lượng cho sản xuất.
Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch tập đoàn Sơn Hà đánh giá các biện pháp kiểm soát tiêu thụ năng lượng trong sản xuất đạt được kết quả tiết giảm đến 20% chi phí năng lượng cho sản xuất
Với phương châm xây dựng hệ thống sản xuất xanh, tập đoàn Sơn Hà luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu phát triển để tiếp tục cải tiến liên tục hệ thống sản xuất sử dụng năng lượng tối ưu vào sản xuất. Sơn Hà đã triển khai sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như sản phẩm thiết bị nước nóng Thái Dương Năng (biến năng lượng mặt trời thành nhiệt năng), cánh đồng năng lượng điện mặt trời (Solafarm), năng lượng điện mái nhà (Rooftop), Biogas (sản xuất khí đốt từ chất thải gia đình và nông nghiệp)…
Tại Sơn Hà, hàng năm đều thực hiện chương trình kiểm toán năng lượng để đưa ra các giải pháp tối ưu cho việc sử dụng năng lượng trong sản xuất: sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, áp dụng những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất, các công xưởng luân phiên sản xuất tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm.
Chia sẻ kinh nghiệm và những đúc rút từ thực tiễn thành công của nhà máy Sơn Hà tại Bắc Ninh sẽ là gợi ý khả thi về tiết kiệm năng lượng cho khối các nhà máy sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!