Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm xanh
Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Tiêu dùng xanh hiện không chỉ là xu hướng, mà trong những năm gần đây đã trở thành nhu cầu tất yếu.
Theo PwC, gần 50% số người được khảo sát cho biết sẽ lựa chọn ưu tiên các sản phẩm tự phân hủy và có tới 80% hướng đến các sản phẩm bền vững, tiết kiệm nhiên liệu.
"Với bà nội trợ tiêu dùng thì xanh, sạch là mình sẽ ưu tiên hàng đầu. Nước giặt cũng như nước rửa chén, bát lúc nào cũng đặt thương hiệu lên đầu, chất lượng tốt. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ thì không ảnh hưởng gì đến da các bé", chị Nguyễn Thị Thanh, Quốc Oai, Hà Nội, chia sẻ.
"Sản phẩm thân thiện với môi trường thì người nào cũng rất cần. Có hương trái cây mình cảm thấy an toàn mình mới dùng", chị Nguyễn Thị Lan, Quốc Oai, Hà Nội, nói.
"Người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm, thương hiệu dựa trên rất nhiều yếu tố. Trong đó, top 5 lý do, họ quan tâm tới thành phần từ thiên nhiên. Nguồn gốc của sản phẩm. Điều này cho thấy sự thay đổi rất lớn trong xu hướng tiêu dùng, trong thái độ họ tiếp cận hàng hóa xanh", bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, NielsenIQ Việt Nam, cho biết.
Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. (Ảnh: NLĐ)
Nhiều người hiện ưu tiên cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, tuy nhiên những sản phẩm này thường có giá cao hơn các sản phẩm truyền thống.
Giá cả hiện vẫn đang là một trong các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi mua sắm nên để thay đổi thói quen của tất cả người tiêu dùng là việc không thể làm ngay. Tuy nhiên luôn có những người đi đầu, chính những giá trị họ nhận lại từ lựa chọn tiêu dùng xanh của mình sẽ thuyết phục cộng đồng.
"Sản phẩm thân thiện với môi trường. Ví dụ nó đắt hơn từ 5 - 10% so với giá em đang dùng thì em vẫn sẽ lựa chọn", chị Nguyễn Thị Thúy, Quốc Oai, Hà Nội, cho hay.
"Mỗi chiếc túi này có giá từ 8.000 - 10.000 đồng và mình phải bỏ tiền ra để có thể sở hữu được chiếc túi như thế này, đảm bảo được tiêu chí của gia đình mình là bảo vệ mội trường và bảo vệ sự sống", chị Quỳnh Anh, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết.
"Dùng bao nhiêu - lấy bấy nhiêu"
Tuy nhiên không phải cứ chọn tiêu dùng xanh là bạn phải chấp nhận mức chi phí cao hơn, bởi có những cách giúp bạn vừa tiết kiệm vừa đạt được mục tiêu thân thiện với môi trường. Đơn giản như hàng ngày đi mua sắm, thay vì phải trả tiền để mua chiếc túi đựng đồ, bạn có thể mang theo một chiếc túi mà mình đã có sẵn ở nhà. "Xanh hơn - tiết kiệm hơn" là điều hoàn toàn có thể.
Bạn có thể tìm được những sản phẩm thông thường tại cửa hàng tạp hóa "xanh". Đồ chăm sóc cá nhân, chất tẩy rửa nhà cửa, hay các sản phẩm tái chế, tất cả đều thân thiện với môi trường, cùng trải nghiệm tự phục vụ.
"Ví dụ lần đầu mình mua lọ sữa rửa mặt với dung tích 100 ml giá 170.000 đồng, nhưng lần sau đến đổi giá rẻ hơn tầm 140.000 đồng", chị Hồng Trung, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Tự mang theo chai, đổ đầy dung tích mình muốn sau đó tính tiền, đây là dịch vụ thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng tại cửa hàng, bởi cứ 10 người khách mới đến đây sẽ có 5 người quay lại refill sản phẩm.
Đây không phải là cửa hàng tạp hóa "zero waste" duy nhất tại TP Hồ Chí Minh, nhiều cửa hàng cũng phát triển mô hình để mọi người phải tự mang theo chai, lọ, hộp cá nhân để mua các sản phẩm như dầu gội, sữa tắm…
Theo các cửa hàng, lượng khách hàng trung thành và theo lối sống "xanh" hiện nay chỉ khoảng 5%, vì vậy kinh doanh mô hình tạp hóa "zero waste" sẽ không đơn giản. Tuy nhiên, "tiêu thụ ít hơn - tái sử dụng nhiều hơn" đang trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.
Tiêu dùng xanh buộc doanh nghiệp phải chuyển mình
Một trong những cách giúp vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường là cần tái sử dụng nhiều hơn. Đơn cử như quần áo, với phái nữ thường thay đổi liên tục để theo mốt nên cũng gây áp lực lên môi trường. Hàng năm có hàng triệu tấn quần áo từ ngành công nghiệp thời trang nhanh thải ra môi trường. Vì vậy, chọn cũ người mới ta cũng chính là xanh hơn tiết kiệm hơn.
Không chỉ nhiều mô hình kinh doanh đang bắt nhịp theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sự chuyển hướng của người tiêu dùng buộc các doanh nghiệp sản xuất cũng phải chuyển mình theo.
Cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 tấn sản phẩm mỗi năm, nhà máy của Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hầu như tự động hóa tất cả quy trình, hạn chế tối đa nhân công. Đây cũng là một trong những cách "xanh hóa" sản xuất, giảm phát thải.
Bên cạnh đó, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, mà doanh nghiệp cũng tập trung chọn lựa những nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
"Hàm lượng nguồn gốc tự nhiên lên đến hơn 90% trong bánh xà phòng hoặc với sản phẩm nước giặt chúng tôi cũng đang nghiên cứu nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ dầu cọ, dầu dừa làm nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ra nước giặt thân thiện với người sử dụng và đặc biệt khi ra môi trường có thể phân hủy hoàn toàn", ông Lê Việt Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cho biết.
Theo ông Phương "xanh hóa" sản phẩm nhưng làm sao để không làm tăng quá nhiều chi phí, đẩy giá thành lên cao là bài toán không dễ. Bởi người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, thường có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.
"Đưa sản phẩm đến trực tiếp với công nhân lao động, cán bộ đoàn viên trong tổ chức công đoàn. Việc đưa trực tiếp như thế này nhằm giảm chi phí bán hàng trung gian để làm sao đem đến cho người lao động, người công nhân những sản phẩm có giá thành hợp lý", ông Lê Việt Phương cho biết thêm.
Nhờ sớm chuyển đổi sang sản xuất xanh, một doanh nghiệp sản xuất giấy đã tiết kiệm mỗi năm 200.000 USD. (Ảnh: NLĐ)
Theo các chuyên gia trước khi được gọi là xanh, sản phẩm phải đảm báo các yếu tố: rõ ràng về tiêu chuẩn và nguồn gốc, được sản xuất từ những đơn vị uy tín trên thị trường.
"Nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm là những nguyên liệu thân thiện với môi trường, tốt nhất là có nguồn gốc từ tự nhiên. Về công nghệ để sản xuất ra sản phẩm, trong quá trình sản xuất không phát sinh chất thải nguy hại với môi trường", bà Trương Thị Tố Trinh, TS. Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, nhận định.
Nỗ lực thúc đẩy tài chính xanh
Như chia sẻ của doanh nghiệp, họ cũng đối mặt với các áp lực về chi phí để có thể chuyển đổi xanh. Để giải quyết bài toán này, chiến lược thúc đẩy tín dụng dành cho các doanh nghiệp triển khai các dự án xanh đã được đưa ra.
Hiện có đến 74 tổ chức tín dụng thiếu một quy trình đặc thù về thẩm định tín dụng xanh. Do đó, việc huy động các nguồn tài chính cho các dự án xanh, thân thiện với môi trường vẫn còn nhiều thách thức.
Dù Việt Nam Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời khi ban hành Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, về biến đổi khí hậu, tuy nhiên việc triển khai các hướng dẫn cụ thể vẫn còn chậm. Nếu sớm có bộ tiêu chí cụ thể sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn và giúp các tổ chức tín dụng có kế hoạch đa dạng sản phẩm tài chính xanh.
Theo chuyên gia, giải pháp cấp bách trước mắt là cần sớm ban hành danh mục dự án xanh quốc gia để cả doanh nghiệp và ngân hàng, cùng nhìn vào đó soi chiếu các tiêu chí xanh trước khi cấp vốn cho dự án. Tính đến cuối tháng 6, mới có khoảng 528.000 tỷ đồng vốn được cho vay các dự án xanh, chỉ chiếm khoảng 4,2% trong tổng dư nợ của nền kinh tế.
"Quan trọng nhất là chính sách, cần phải sớm có chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ", ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, nhìn nhận.
"Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng đầu tư vào các dự án xanh tại Việt Nam. Vì vậy tôi tin rằng nếu Chính phủ Việt Nam có thể thống nhất bộ tiêu chí xanh cụ thể, cũng như phối hợp cùng các cơ quan liên quan để có chính sách hướng dẫn lộ trình rõ ràng để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì tôi chắc rằng các đối tác như chúng tôi có thể dễ dàng cung cấp thêm nguồn vốn và các dịch vụ tư vấn cho các ngân hàng, các doanh nghiệp để họ có thể tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn", ông Thomas J. Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Khu vực Việt Nam, Lào & Campuchia, nhận định.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 84% các nhà đầu tư toàn cầu đang hướng dòng vốn tới các khoản đầu tư xanh, phát triển bền vững. Đây sẽ là cơ hội cho các thị trường mới nổi như Việt Nam thu hút nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho lộ trình chuyển đổi xanh. Vì vậy, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết.
Kế hoạch công nghiệp xanh của châu Âu
Không chỉ trong phạm vi mỗi quốc gia, nhìn rộng ra trên phạm vi thế giới, các quốc gia đang cùng xây dựng các khuôn khổ hợp tác để đẩy nhanh quá trình chuyển đối xanh. Thỏa thuận xanh châu Âu sau 4 năm tập trung cho lĩnh vực năng lượng tái tạo đang chuyển sang bước tiếp theo, tập trung vào ngành công nghiệp nặng.
Đây sẽ là quá trình cải tổ ngành công nghiệp nặng cho phù hợp với mục tiêu giảm thải. Kế hoạch công nghiệp xanh của EU bao gồm 4 nội dung chính:
- Thứ nhất là tăng tốc cấp phép. Theo đó, một dự luật sẽ được ban hành giúp tăng tốc cấp phép cho các nhà sản xuất sở hữu công nghệ như thu hồi và lưu trữ carbon, năng lượng tái tạo, sản xuất hydro và pin tái tạo.
- Thứ hai là bổ sung trợ cấp, tăng cường hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc công nghiệp khử carbon. Các quỹ hiện có của EU có thể cung cấp các khoản trợ cấp khoảng 250 tỷ Euro.
- Thứ ba là nâng cao kỹ năng cho người lao động; tăng cường công nhận bằng cấp trên toàn khối và từ các nước thứ ba liên quan đến công nghiệp xanh.
- Nội dung cuối cùng trong bản kế hoạch công nghiệp xanh châu Âu là thúc đẩy thương mại. EC sẽ đẩy nhanh ký kết các thỏa thuận thương mại để nhanh chóng đảm bảo các nguồn cung cần thiết về nguyên liệu thô quan trọng trong ngành công nghiệp xanh.
"Ngành công nghiệp châu Âu đang cho thấy đã sẵn sàng tăng tốc quá trình chuyển đổi. Thực tế đã chứng minh rằng, hiện đại hóa và giảm phát thải có thể song hành. Trong 5 năm qua, số lượng nhà máy thép sạch tại Liên minh châu Âu đã tăng, từ không có nhà máy nào lên 38 nhà máy. Từ gió đến thép, từ pin cho tới ô tô điện, tham vọng của chúng tôi rất rõ ràng, tương lai của ngành công nghệ sạch châu Âu phải được tạo ra ở châu Âu. Đó là nhiệm vụ của chúng ta", bà Ursula Von Der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh.
Cũng trong bài phát biểu gần của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, để thúc đẩy kế hoạch công nghiệp xanh này, 2 đạo luật chi tiết sẽ được cụ thể hóa và đưa ra bỏ phiếu. Đó là Đạo luật Công nghiệp Net Zero và Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng. Hai đạo luật này nằm trong 2/4 nội dung chính của kế hoạch công nghiệp xanh trên.
Hướng tới một nền kinh tế xanh là mục tiêu không chỉ của một quốc gia, một khu vực mà của toàn thế giới để đạt được kết quả không phát thải ròng vào năm 2050. Tuy nhiên quá trình này sẽ cần thời gian, bởi đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và chi phí, nhưng cơ hội sẽ dành cho những người đi đầu trong quá trình này khi có được sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!