Thời điểm này vải thiều đang vào chính vụ, nếu những năm trước cũng là lúc bắt đầu vào mùa giải cứu thì năm nay quả vải giữ được mức giá ổn định và được tiêu thụ thông suốt ở nhiều kênh tiêu thụ. Đáng chú ý nhất là năm nay quả vải đã được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử một cách bài bản và có kế hoạch ngay từ đầu năm.
Mở rộng tiêu thụ vải thiều trên nền tảng số
Sáng 8/6, tại Bắc Giang, hội nghị trưc tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều do Bộ Công Thương tổ chức đã tập trung mạnh vào việc đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử. Là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, việc chủ động áp dụng phương thức kinh doanh trên nền công nghệ mới đã đem lại những hiệu quả rõ rệt ngay từ đầu vụ.
Năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản trên cả 06 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam và qua Chương trình Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia của Bộ Công Thương. Dự kiến vụ vải năm nay sẽ có khoảng 8.000 - 10.000 tấn vải thiều được tiêu thụ bằng hình thức này
Sau Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Bộ Công Thương sẽ đồng hành ứng dụng thương mại điện tử xuyên suốt và tiến tới hỗ trợ nông sản cả nước lên sàn.
Gian hàng Việt trên sàn thương mại điện tử
"Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" đã và đang trở thành một ngôi nhà chung, một siêu thị hàng Việt Nam trên Sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt, hợp tác xã chuyển đổi mô hình kinh doanh
Nhìn tổng quan, toàn miền Bắc, trong 3 tháng tới đây, sẽ có 3 loại cây ăn quả chủ lực thu hoạch rộ là: Vải: 340.000 tấn; Nhãn: 300.000 tấn. Xoài: > 100 nghìn tấn Ngoài ra, còn nhiều loại quả khác cũng cần tiêu thụ: Bưởi, cam, dứa và đặc biệt là chuối: > 1 triệu tấn.
Còn ở miền Nam, ngoài những loại quả giống ở miễn Bắc, còn có thêm chục loại cây ăn quả chủ lực khác cũng đang hoặc sắp vào vụ thu hoạch là: thanh long, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, na, mít, bơ, chanh leo... Từ nay đến cuối năm, cả nước dự kiến sẽ có khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần được tìm đầu ra. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để phát triển tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử
Phát triển kênh tiêu thụ điện tử cho nông sản Việt
Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên cả 06 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam từ tháng 6/2021.
Từ ngày đầu tháng 6/2021, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên cả 06 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart… với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" của Bộ Công Thương do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì. Tuy nhiên, bên cạnh quả vải còn hàng loạt các loại nông sản khác
Ở Hải Dương, thương mại điện tử được xem là một giải pháp trọng tâm. Từ tháng 4, nhiều lớp tập huấn thương mại điện tử cho nông dân đã được thực hiện với sự phối hợp liên ngành nông nghiệp - công thương.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hải Dương, cho biết: "Chúng tôi tập huấn hỗ trợ trực tiếp cho những người nông dân về mặt kỹ thuật để họ biết cách là đưa thông tin lên sàn cũng như biết cách chốt đơn hàng rồi livestream bán hàng".
Chương trình"Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" trên các Sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT), Bộ Công Thương chủ trì đang triển khai được đánh giá là một giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng, tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại.
Gian hàng Việt là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản đặc sản để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, "Siêu thị hàng Việt" này giúp người tiêu dùng mua sắm hàng nông sản Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí thấp hơn.
Nếu giải cứu là biện pháp tình thế, dựa vào tinh thần thương thân tương ái của người tiêu dùng thì việc xác định và chuẩn bị các kênh tiêu thụ sẽ là cách để không chỉ quả vải mà còn nhiều loại nông sản Việt đến tay người tiêu dung trong dịch bệnh hiệu quả nhất. Sự chủ động và quyết tâm vào cuộc hỗ trợ nông dân đã mang lại hiệu quả ban đầu nhưng so với nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ bắt đầu.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 8/6 với khách mời là ông Đặng Hoàng Hải, Cục Trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương sẽ trao đổi chi tiêt hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!