TikTok - “Quân cờ” tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc?

Tạp chí Kinh tế cuối tuần-Thứ bảy, ngày 08/08/2020 11:40 GMT+7

VTV.vn - Không mắc lỗi gì đặc biệt, nhưng TikTok lại bị đặt vào giữa Trung Quốc và Mỹ trong cuộc cạnh tranh về công nghệ.

Vì sao TikTok "đốn tim" người dùng trẻ?

Ứng dụng chia sẻ video thịnh hành TikTok tiếp tục rơi vào thế khó, khi xuất hiện nhầm chỗ và sai thời điểm. Lần này không phải ở Ấn Độ, mà là tại Mỹ, thị trường lớn thứ 2 bên ngoài Trung Quốc và sau Ấn Độ.

Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh hành pháp vào ngày 6/8, cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok và WeChat, sau 45 ngày. Quy định được tính từ ngày ký văn bản. Đồng thời trong khoảng thời gian này, TikTok buộc phải chọn 1 trong 2: bán chi nhánh cho công ty của Mỹ, hoặc phải ngừng hoạt động tại nước này.

Về cơ bản, người Mỹ rất thích TikTok. Ước tính, mỗi người dùng dành 52 phút mỗi ngày cho Tiktok, hơn 10 - 20 phút so với Facebook và Snapchat. Vậy điều gì đã "đốn tim" người dùng trẻ?

TikTok - “Quân cờ” tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc? - Ảnh 1.

TikTok - “quân bài” của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. (Ảnh: Tech In Asia)

TikTok có sự kết hợp hoàn hảo công nghệ nhận diện khuôn mặt, với tuyển tập bộ lọc filter và biểu tượng cảm xúc thú vị. Vì vậy, số lượng dùng người TikTok thường xuyên tại Mỹ đã vọt lên mức 80 triệu người mỗi tháng, tăng 60% so với 1 năm trước. Con số này đã tăng mạnh kể từ sau COVID-19. Từng đó người dùng cũng là từng đó dữ liệu lớn, giúp cho các thuật toán AI của TikTok thông minh hơn và hiệu quả hơn, trong việc nhanh chóng tìm ra loại nhạc, hay nội dùng phù hợp cho từng người dùng, giúp giữ chân người xem ở lại lâu nhất có thể. Đây cũng là vũ khí mạnh nhất và quý nhất của TikTok.

Trung Quốc sử dụng "con bài" an ninh quốc gia

Theo CNN, ứng dụng chia sẻ video TikTok là mạng xã hội duy nhất trong những năm trở lại đây mang lại mối nguy thật sự cho những nền tảng lớn hơn của Mỹ, vốn đã thống lĩnh thị trường.

Phải chăng Mỹ có đang lo sợ trước sự phát triển quá nhanh của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Chính điều này đã buộc họ ra tay "tẩy chay" TikTok? Các chuyên gia cho rằng cạnh trạnh công nghệ chính là tảng băng chìm, còn bề nổi, Mỹ vẫn luôn nói là do "an ninh quốc gia" để chặn TikTok.

Nhìn vào bức tranh biếm họa được đăng tải trên trang web của CGTN, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, có thể hiểu được phần nào mục tiêu sâu xa của Washington, Mỹ đang sử dụng "an ninh quốc gia" chính là viên bi cái màu trắng, nhằm đánh bật các công nghệ và ứng dụng của Trung Quốc, như đã từng làm với Huawei. Rõ ràng, viên bi đang nhắm tới tiếp theo là TikTok, WeChat, hay bất cứ quả bóng "công nghệ" nào của Trung Quốc còn nằm trên bàn.

Tuy nhiên nếu nhìn vào quá khứ, thì con bài "an ninh quốc gia" không chỉ mỗi Mỹ sử dụng, mà Bắc Kinh cũng là một đối thủ rất thuần thục trong cách đánh bóng này.

TikTok - “Quân cờ” tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc? - Ảnh 2.

Tổng Thống Donald Trump quyết tâm loại bỏ những ứng dụng không đáng tin cậy có nguồn gốc từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ. (Ảnh: AP)

Từ lâu, Trung Quốc đã bảo vệ an ninh quốc gia bằng việc chặn cửa Twitter hay buộc các công ty nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây, trò chơi di động phải làm ăn với đối tác địa phương và cắt giảm đầu tư vào ngân hàng trực tuyến. Đến nay, Bing và LinkedIn của Microsoft là hai nền tảng lớn duy nhất được phép hoạt động tại Trung Quốc, dù đều bị kiểm duyệt nội dung.

Trung Quốc phản đối hành động phân biệt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc

Năm 2014, Trung Quốc cấm Facebook và Google. Năm 2020, Mỹ cấm lại TikTok và WeChat. Trung Quốc không ngờ rằng sẽ đến một ngày, nhiều công ty nội địa lại lớn mạnh, vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc đến như vậy. Hiện Bắc Kinh không chỉ muốn thế giới giang tay đón nhận các công ty công nghệ của mình, mà còn đưa ra yêu cầu các quốc gia như Mỹ cân nhắc khi sử dụng yếu tố "an ninh quốc gia" làm lý do để kìm hãm sự phát triển của các tập đoàn "con cưng".

"TikTok đã tuân theo nguyên tắc thị trường, các quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ khi kinh doanh tại đây. Thế nhưng phía Mỹ lại gây khó dễ cho TikTok bằng những cáo buộc không đúng sự thật. Đây không phải là "cạnh tranh công bằng." Động thái của Mỹ có thể tạo tiền lệ cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới sử dụng biện pháp tương tự để cản trở công ty của Trung Quốc hoạt động, với lý do an ninh quốc gia" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh.

TikTok - “Quân cờ” tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc? - Ảnh 3.

TikTok hiện là một trong những ứng dụng phổ biến nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)

Có thể thấy, TikTok đã cố gắng hết sức để bảo vệ mảng kinh doanh của mình ở Mỹ. Tuy nhiên TikTok khó chiều lòng giới chức Mỹ, bởi công nghệ mới là lý do sâu xa. Mỹ thực chất muốn kìm hãm những "sáng tạo công nghệ mang nguy cơ hủy diệt" vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ. Chính vì vậy, chính quyền Tổng thống Trump muốn một công ty của Mỹ, ở thời điểm này là Microsoft, thu nạp TikTok, củng cố sức mạnh biểu tượng công nghệ Mỹ.

Microsoft mua TikTok, tạo lập vị thế công nghệ vững chắc hơn

Với Microsoft, TikTok là cánh cửa mới dẫn tới giới trẻ, những người không quá hâm mộ Windows 95 hay Microsoft Office. Từ TikTok, Microsoft sẽ thu được những thông tin hữu ích về thị hiếu người dùng trẻ.

"Microsoft sẽ không thu được quá nhiều tiền từ quảng cáo trên TikTok. Nhưng điều quan trọng là công ty này có thể áp dụng được công nghệ máy học của TikTok để cải thiện Bing hay các ứng dụng khác, nhằm tăng doanh thu quảng cáo" - ông Jordan Novet, Chuyên gia mảng tin tức kinh doanh của CNBC, nhận định.

Hơn 15 triệu dòng code trí tuệ nhân tạo của TikTok sẽ về tay Microsoft trong 1 năm nữa. Thế nhưng phần quan trọng nhất trong thỏa thuận này phải là dữ liệu.

TikTok - “Quân cờ” tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc? - Ảnh 4.

TikTok bị Mỹ "cấm cửa". (Ảnh: Reuters)

Hàng triệu video được đăng tải mỗi ngày trên TikTok tạo nên kho dữ liệu khổng lồ mà Microsoft sẽ được tiếp cận. Microsoft đã có rất nhiều dữ liệu của doanh nghiệp, nhưng dữ liệu người dùng mang tính giải trí lại rất ít.

Tuy nhiên, đằng sau TikTok còn hàng dài ngôi sao công nghệ đang lên của Trung Quốc. Động thái mạnh tay của Mỹ có thể khiến các công ty Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, như: trò chơi trực tuyến, livestream, cho đến truyền thông xã hội phải dè chừng và đánh giá lại kế hoạch vươn ra thế giới của mình.

"Việc cấm và buộc TikTok phải bán mình sẽ tạo một tiền lệ xấu cho các công ty công nghệ Trung Quốc khác đang hoặc sẽ muốn bước ngoạm miếng bánh thị phần tại Mỹ. Rõ ràng, sự gia tăng rủi ro chính trị sẽ đẩy chi phí kinh doanh ở Mỹ tăng lên đáng kể đối với các nền tảng này" - bà Sara Hsu, chuyên gia kinh tế, Đại học Fudan, cho hay.

Các nhà phân tích ước tính, khả năng Microsoft thành công mua lại TikTok ở Mỹ vào khoảng 75% - 80%. Giá trị thương vụ là khoảng 50 tỷ USD. Tuy nhiên, trong giai đoạn 45 ngày cho đến hạn chót, hai bên chắc chắn sẽ còn phải mang nhiều vấn đề ra bàn thảo luận, nhất là TikTok đang bị đặt vào vị thế "bán cũng dở, mà không bán cũng chẳng xong" khi đối mặt với sự tẩy chay từ người dùng Trung Quốc, cho rằng TikTok đã "đầu hàng" Mỹ quá sớm.

TikTok dọa kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump TikTok dọa kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump

VTV.vn - Trong một tuyên bố mới đưa ra, TikTok cho biết công ty này bị "sốc" trước sắc lệnh mới của ông Trump.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước