Trước tình hình xuất khẩu gạo còn nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng, tình hình sản xuất sẽ được cải thiện nếu hướng đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Tuy nhiên thời gian qua, thị trường này cũng bộc lộ nhiều trở ngại khi tỷ lệ tiêu thụ nội địa ở ĐBSCL, vựa lúa của cả nước rất hạn chế. Gạo ở nhiều nước trong khu vực đã tràn ngập bữa ăn của người Việt Nam.
Tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, một chợ bán lẻ sầm uất ở Cần Thơ với nhiều chủng loại gạo khác nhau. Gạo Việt, gạo Thái, gạo Mỹ, gạo Nhật với bao bì khá đẹp đều hiện diện. Thế nhưng rất nhiều người tiêu dùng chỉ chọn gạo ngoại để ăn.
Trong khi đó đến nay, gạo Việt vẫn đang loay hoay tìm thương hiệu, chủ yếu chạy theo số lượng mà gần như quên đi chất lượng, điều mà người tiêu dùng Việt đang hết sức chú trọng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay không chỉ gạo nội thua kém về chất lượng mà chi phí giá cả cũng cao hơn nhiều loại gạo ngoại như của Thái Lan, Campuchia... Điều này cũng dễ lý giải vì để gạo Việt có bao bì, thương hiệu nhãn mác của doanh nghiệp ra được thị trường nội địa thì họ phải chịu thuế 5% VAT trong khi xuất khẩu lại không chịu thuế.
Việc xây dựng được thương hiệu, khẳng định được chất lượng gạo Việt với người tiêu dùng, trước mắt là người tiêu dùng trong nước rất quan trọng bởi chỉ có chất lượng tốt mới có thể tăng được sức cạnh tranh ở thị trường gần 100 triệu dân và sẽ hạn chế được cảnh, trên mâm cơm người Việt chỉ toàn gạo ngoại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!