Tín dụng đen: Những khoản vay thế chấp bằng... lòng tin

TCKD-Thứ ba, ngày 27/08/2013 05:57 GMT+7

 Một tháng cho vay tín dụng đen có thể bằng cả một năm gửi tiết kiệm ngân hàng, thậm chí còn cao hơn nữa. Đó là lý do khiến nhiều người dân đem tiền tích góp của mình tham gia vào những đường dây tín dụng đen.

Chỉ với một tờ giấy vay nợ sơ sài, người ta có thể cho vay nhau tới hàng tỷ đồng thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói là khó có thể tìm thấy bất cứ một thỏa thuận nào về mức lãi suất cho vay, cùng lắm cũng chỉ tìm thấy nội dung này bằng bốn từ “mức lãi thỏa thuận”.

Thế nhưng, sự thực đằng sau những tờ giấy vay nợ này là những thỏa thuận ngầm theo nguyên tắc của tín dụng đen. Mức lãi vay được thỏa thuận thường cao hàng chục lần so mức vay của ngân hàng.

‘ Chỉ với tờ giấy vay nợ sơ sài, người ta có thể cho nhau vay hàng tỷ đồng (Ảnh: VTV News)

Cũng chính vì lãi suất cao mà bà Phan Thị Điểm đã huy động tiền của gia đình và người thân để cho bà Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu phó kiêm Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Phương Nam vay. Đến nay, bà Yến đã bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì toàn bộ những người theo bà Điểm cho bà Yến vay tiền đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Bà Điểm cho biết: "Tôi cho vay 6%/tháng. Số tiền tôi cho vay là 2,4 tỷ nhưng trong đó có tiền của họ hàng và bạn bè dồn vào”.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Như đã từng huy động của nhiều người với mức lãi suất 4,5%/tháng để cho bà Yến vay với lãi suất 6%. Ăn chênh lệch lãi suất 1,5%, một kiểu buôn tiền khá nhàn hạ, thế nhưng thực chất không hề “ngon ăn” như vậy. Khi bà Yến vỡ nợ thì bà Như ngay lập tức trở thành con nợ bị truy đuổi của nhiều người.

Bà Như bức xúc nói: "Tôi đã phải bán 2 căn nhà và 600m2 đất của gia đình và của anh em họ hàng trong nhà. Hiện tôi đang phải gánh hơn 60 tỷ tiền nợ lãi bên ngoài. Giờ họ luôn tìm tôi để đòi nợ nhưng tôi cũng không biết làm thế nào để có thể trả được".

Luật sự Lê Thành Vinh, người đã từng có kinh nghiệm trong những vụ việc như trên cho rằng, với mức lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất ngân hàng thì không một doanh nghiệp nào làm ăn chân chính có thể chịu đựng được. Và nếu những người dân vì ham lãi suất cao mà tham gia vào đường dây tín dụng đen thì sớm muộn sẽ phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, mất tiền.

Luật sư Lê Thành Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Luật Smic cho rằng: "Tham gia tín dụng kiểu này có cơ hội kiếm lời rất hấp dẫn nên người ta đã quên đi những rủi ro khác. Nếu ngân hàng lãi chỉ 7-8%/năm thì lãi suất tín dụng đen có thể lên mấy chục phần trăm một tháng. Cơ hội làm ăn dễ quá nên trước những lời dụ dỗ của người vay tiền thì người ta tin và cho vay. Điều đó dẫn đến rủi ro họ không thể đi thu hồi số tiền đó vì lãi suất quá lớn, người đi vay khó có thể trả đươc. Không có nghề kinh doanh nào lại phát sinh tỷ suất lợi nhuận cao như vậy và khả năng mất trắng hoàn toàn có thể xảy ra".

Vụ việc “xù nợ” của Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Phương Nam đang được cơ quan công an thành phố Hà Nội điều tra làm rõ. Nhưng câu chuyện trên cho thấy những giao dịch cho vay ngầm kiểu này đang tồn tại rất nhiều rủi ro. Rủi ro cho cả người vay và người cho vay.

Khi người vay vỡ nợ, không có tiền trả thì người cho vay có cầm những giấy tờ vay nợ đi kiện để đòi tiền cũng chẳng biết khi nào có thể đòi được vì không nắm giữ tài sản thế chấp nào để bán thu hồi. Thế chấp cho những khoản vay kiểu này chỉ là lòng tin mà lòng tin thì không thể bán lấy tiền được.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước