Sự kiện nóng nhất trên thị trường tuần qua là Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, cùng với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các địa phương và đại diện một số doanh nghiệp lớn, các chuyên gia, hiệp hội.
Nhiều ý kiến đánh giá, hội nghị đã đề cập toàn diện, đầy đủ, thẳng thắn những vấn đề của thị trường bất động sản, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong suốt hơn nửa năm qua thị trường gặp phải. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp trình bày các khó khăn, kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Các vấn đề chính được doanh nghiệp chờ đợi là cơ chế để doanh nghiệp có thể tự vượt qua các khó khăn hiện nay, như được ngân hàng giãn, hoãn, giữ nguyên các nhóm nợ từ 2 - 3 năm để các doanh nghiệp có thời gian hoàn thành dự án. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ ách tắc pháp lý cho các dự án. Đáng chú ý, có doanh nghiệp kiến nghị xin được chọn một dự án để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn.
"Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay. Nếu dự án Aqua City được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland. Hiện tại, Novaland đang còn 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháo lý. Nếu trong vòng 1 - 2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường", ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland), cho biết.
Cơ chế tiếp cận vốn tín dụng linh hoạt
Ví tín dụng là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp bất động sản, các ý kiến tiếp tục kiến nghị hạ lãi suất sớm nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một lần nữa "cơ chế" lại được doanh nghiệp nhắc trong tiếp cận vốn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty GP.INVEST chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)
"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%. Ngoài ra, với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi kiến nghị về chính sách tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST, đề xuất.
Thị trường bất động sản trầm lắng
Khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay hoàn toàn khác so với tình trạng của thị trường bất động sản năm 2010 - 2012, là thời kỳ thị trường tồn kho do thừa cung bất động sản nên giá bất động sản giảm rất sâu nhưng hàng hóa bất động sản vẫn không bán được.
Trái lại hiện nay, thị trường bất động sản đình trệ, nhưng giá các loại bất động sản có thể đưa vào sử dụng ngay như căn hộ chung cư giá vẫn tăng và trên thị trường không có hàng bán do lượng cung ở hầu khắp các phân khúc đều sụt giảm mạnh, như báo cáo của Bộ Xây dựng, giảm 50%, thậm chí có phân khúc gần bằng 0.
Như vậy, thị trường đình trệ do thiếu nguồn cung bất động sản nhà ở, trong khi cầu về nhà ở vẫn có. Trong khi đó, các đại biểu dự hội nghị lại chỉ ra một thực tế, nhiều dự án đang triển khai phải dừng, có những dự án gần hoàn thành nhưng không đủ căn cứ pháp lý để đưa ra tiêu thụ hoặc đưa ra tiêu thụ nhưng không được công nhận quyền tài sản.
Môi trường pháp lý còn nhiều điểm nghẽn
Do đó, để có giải quyết bài toán về nguồn cung cho thị trường, một nút thắt cần được tháo gỡ đó là pháp lý.
"Môi trường pháp lý còn nhiều điểm nghẽn. Nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không rõ ràng, không được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn..., trong khi có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy ở một bộ phận cán bộ công chức khá rõ nét, khiến cho nhiều dự án không thể triển khai được, muốn thế chấp cũng không được, muốn nộp thuế cũng không được... dẫn đến bỏ hoang, tồn kho, lãng phí, tốn kém", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá.
Các tồn tại trên thị trường bất động sản
Nếu được tháo gỡ các nút thắt để tái lập nguồn cung thì thanh khoản của thị trường sẽ hồi phục trở lại. Như vậy, các nguồn lực bỏ ra để giải quyết các nút thắt của bất động sản như vốn vay ngân hàng sẽ nhanh chóng được hoàn trả. Cách đây 10 năm trước, khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được tung ra, nhiều người có thu nhập trung bình và thấp đã có thể mua được nhà ở, đặc biệt tại các thành phố lớn. Sức nóng của phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá thấp đã lan tỏa và giúp thị trường chung hồi phục trở lại.
Nguồn cung nhà ở xã hội còn làm cân bằng lại sự lệch pha giữa các phân khúc bất động sản. Hiện, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu. Trong khi nhà ở xã hội mới đáp ứng được phần lớn nhu cầu ở thật của người dân.
Ngay trước hội nghị, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Gói này sẽ cho vay với cả chủ đầu tư và người mua nhà. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, đặc biệt sau Hội nghị vào cuối tuần qua, nhiều kỳ vọng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được giải tỏa.
Thị trường đình trệ do thiếu nguồn cung bất động sản nhà ở, trong khi cầu về nhà ở vẫn có. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Thực tế, suốt vài tháng qua, Chính phủ và các bộ, ngành đều tập trung để tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản. Tại Hôị nghị, Thủ tướng đã chỉ ra 8 vấn đề chính của thị trường bất động sản hiện nay, trong đó có cơ cấu sản phẩm còn lệch pha, phân khúc cao cấp nhiều, dư dả, có khi đang ế, nhưng ngược lại phân khúc cho người nghèo, người thu nhập thấp, bình dân lại thiếu hụt. Ngoài ra, giá cả chưa hợp lý.
"Thu nhập bình quân đầu người của nước ta hiện chỉ 4.100 USD/năm, là hơn 100 triệu đồng. Như vậy, với nhà cao cấp, mất 1 năm thu nhập mới mua được 2 m2 nhà ở. Giá cả chưa hợp lý thì phải nghĩ như thế nào cho hợp lý, phải có điểm trung hòa giữa cạnh tranh và cung cầu. Thứ ba là phản ứng chính sách và thị trường của các chủ thể có liên quan còn chậm. Cán bộ một số nơi, một số thời điểm còn sợ trách nhiệm, không dám làm. Đây là cái có thật, tất nhiên không phải qua phổ biến, nhưng nhiều nơi là như thế", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số chỉ đạo cụ thể, từ các giải pháp chính sách trong đó bao gồm yêu cầu giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đến việc yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính mình, tự giải quyết những khó khăn do doanh nghiệp gây ra
"Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình. Anh phải giải quyết khó khăn do chính anh đã gây ra. Chỗ này là chỗ chúng ta phải nhấn mạnh. Có những cái do khách quan, có những cái do điều kiện này kia, nhưng có những cái do chính anh gây ra, như anh dự báo không tốt, anh phát triển thị trường không tốt, anh đầu tư vốn không tốt, thì anh phải tự khắc phục. Anh tự điều chỉnh cho chính anh đã. Ngân hàng Nhà nước phải có quản lý nhà nước ở đây. Giảm bớt rủi ro, giảm bớt quản lý…, đây là nghiệp vụ của ngân hàng, phải làm để các ngân hàng thương mại giảm được lãi suất cho vay cho nền kinh tế nói chung, trong đó có bất động sản; giảm lãi suất, giảm các loại phí, lệ phí… Đề nghị ngân hàng phải có trách nhiệm", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Một thông tin quan trọng khác trong sự kiện đó là phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, Chính phủ dự kiến ban hành Nghị quyết của Chính phủ về thị trường bất động sản, làm căn cứ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho bất động sản
Cũng trong hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng này đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà, thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Về lãi suất, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
Về cơ cấu thời hạn trả nợ, Ngân hàng Nhà nước thấy nhiều ý kiến xác đáng tại hội nghị. Đó là Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ, sẽ có ứng xử, tháo gỡ riêng. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!