Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về sự biến động của thị trường thế giới, làm tác động trực tiếp lên thu nhập người trồng lúa, thì ở một ngách khác các doanh nghiệp chuyên sản xuất những sản phẩm thực phẩm lại đang có hướng đi bền vững hơn, đó là đầu tư nâng cao giá trị của hạt gạo bằng cách đa dạng sản phẩm chế biến từ gạo để xuất khẩu. Với bước đi này nhiều doanh nghiệp cho biết, bước đầu đã có tín hiệu tốt đẹp cho đầu ra của các sản từ gạo Việt Nam.
Mỗi tháng Công ty Duy Anh Foods xuất khoảng 300 tấn bánh tráng sang 20 quốc gia trên thế giới với giá từ 35.000-45.000 đồng/kg, trong đó riêng thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản đã chiếm hơn 100 tấn, tăng gấp 5 lần so với năm ngoái. Để đáp ứng được nhu cầu thị trường, trung bình một ngày, những chiếc máy xay bột của công ty phải chạy với công suất trên 12 tấn gạo, tính ra một năm, lượng tiêu thụ gạo tại những đơn vị sản xuất như thế không hề nhỏ.
Không chỉ các doanh nghiệp, tại xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, nghề sản xuất bánh tráng từ bột gạo cũng đã trở thành mũi nhọn kinh tế, giúp nhiều hộ dân vươn lên khá, giàu. Hơn 50% số hộ trong xã tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động tại chỗ.
‘ Ảnh minh họa
Theo ông Lê Duy Toàn, GĐ Công ty Duy Anh Foods: “Tiềm năng tiếp tục mở ra ở những thị trường mới như châu Phi, Bắc Âu...”.
Thông qua chế biến, 1 tấn gạo có thể làm ra được hơn 700 kg bột. Giá bột xuất khẩu của doanh nghiệp ở mức trung bình hơn 14 triệu đồng/tấn, so với giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm ở mức hơn 400 USD, rõ ràng sản phẩm gạo qua chế biến xuất khẩu đã cao hơn so với gạo xuất khẩu.
Thị trường đang rộng mở cho sản phẩm chế biến từ gạo Việt Nam khi hiện nay các doanh nghiệp mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. PGS, TS Vũ Trọng Khải, Chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần gia tăng hơn nữa các sản phẩm và sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế.
Nâng cao giá trị của hạt gạo bằng đa dạng hóa sản phẩm như bột gạo làm bánh, bánh phở, bún khô, miến gạo, bánh tráng, nỗ lực của doanh nghiệp Việt đã được thị trường quốc tế đón nhận. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu các sản phẩm chế biến từ gạo của công ty chế biến thực phẩm như Duy Anh, Bích Chi, Lộc Sánh, Jimy Foods… đều tăng hơn 10%, mức tăng trưởng chủ yếu từ việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.
Dù các chính sách hỗ trợ vẫn còn là các đề án nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn tin tưởng với bước đi chậm mà chắc này, bởi với kết quả đáng khích lệ trong xuất khẩu đã giúp họ giảm tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu, tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ và quan trọng hơn là có thể tạo đầu ra cho hạt lúa của nông dân.