Nữ doanh nhân không sa thải nhân viên trong đại dịch
Trong cơn bão táp mang tên COVID-19, hết 9 tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê cho biết, 70.000 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá thể, có thể ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động.
Số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang chiếm khoảng 25% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trước những khó khăn từ dịch bệnh, những ngành được cho là ảnh hưởng nặng nề nhất là hàng không, du lịch, khách sạn… Thế nhưng, không ít nữ thuyền trưởng vẫn quyết định "không sa thải người lao động".
"Những thách thức về doanh thu, tiền lương và các chi phí khác khiến nữ doanh nghiệp phải có quyết tâm cao, bình tĩnh sắp xếp, cơ cấu lại toàn bộ doanh nghiệp của mình để có thể vẫn duy trì được hoạt động, người lao động vẫn có công ăn việc làm, có thể tạm ngừng, luân phiên nhưng vẫn không mất việc làm", bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG, chia sẻ.
Có thể nói, giữ chân lao động, không sa thải là điểm chung của các nữ tướng trong quá trình điều hành doanh nghiệp trước sóng gió. (Ảnh minh họa)
Trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, đứng trước khoản hụt thu nhiều tỷ đồng trong năm 2020 do phải đóng cửa, phải ngưng hoạt động hàng loạt dịch vụ, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn sẵn sàng tăng chi phí để giữ người trong dài hạn.
Ngoài ảnh hưởng từ COVID-19, thời gian qua, Vinamilk còn bỏ ra 147 triệu USD để sở hữu 51% quyền biểu quyết tại sữa Mộc Châu. Đây được coi là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nội địa. Trong khó khăn, nhưng nữ tướng của Vinamilk cũng không làm xáo trộn nhân sự.
Hiện tại, hơn nửa năm về với Vinamilk, hoạt động kinh doanh của Mộc Châu ghi nhận lợi nhuận tăng hơn 40%, đạt 106 tỷ đồng.
Các nữ doanh nhân trẻ nỗ lực vượt đại dịch COVID-19
Không ít nữ doanh nhân trẻ vẫn chọn giải pháp thay đổi, có thể là thay đổi về sản phẩm, thay đổi về thị trường để vừa đảm bảo đời sống cho người lao động, vừa tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp.
7 năm kinh doanh thời trang, trải qua không ít thử thách, nhưng COVID-19 vẫn là một phép thử quá lớn với chị Hà (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Sohee Hàn Quốc). Trong thời gian giãn cách xã hội, toàn bộ hệ thống 24 cửa hàng đã phải đóng cửa, thiệt hại ước tính lên đến 10 tỷ đồng.
Nhiều nữ doanh nhân Việt đã rất nỗ lực để duy trì công việc cho người lao động. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Còn với doanh nghiệp của chị Tuyến (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Everland), tác động từ dịch COVID-19 đã khiến toàn bộ mảng du lịch nội địa của công ty thiệt hại nặng nề. Doanh nghiệp đã rất nỗ lực để duy trì công việc cho người lao động.
Để góp phần vực dậy doanh nghiệp sau COVID-19, chị Tuyến cũng đã có những đề xuất để xoay trục kinh doanh sang triển khai các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, các dự án khu đô thị đã có đủ pháp lý tại các địa phương.
Kinh doanh đã khó, dịch bệnh càng khiến mọi thứ khó khăn hơn, thế nhưng, những nữ tướng còn có thiên chức làm mẹ, còn phải gánh trên vai nghĩa vụ chăm sóc cho chính gia đình của mình, nên xét ở một góc độ nào đó, họ còn "nặng gánh" hơn cả những người đàn ông.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 35% trở lên vào năm 2020. Những nữ doanh nhân đủ mạnh mẽ và quyết đoán để đưa ra những quyết sách sống còn đối với doanh nghiệp, nhưng cũng đủ nhẹ nhàng, uyển chuyển để thấu cảm vì người lao động. Nữ doanh nhân Việt Nam, "Tinh thần thép - Trái tim nhân hậu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!