Việt Nam đang tồn 9,3 triệu tấn than nhưng cũng trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã phải nhập khẩu 5,5 triệu tấn than khác.
Và nếu một trường hợp giả định rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đi mua than của các đơn vị ngoài Tập đoàn Than Khoáng sản, có thể sẽ làm cho 4.000 lao động mất việc làm.
Tờ Thời báo Kinh doanh làm một phép so sánh giữa than Indonesia và Việt Nam. Giá than Indonesia rẻ hơn do chi phí sản xuất thấp hơn, công nghệ cao hơn đồng thời một yếu tố làm lượng nhập khẩu tăng là do thuế nhập khẩu than hiện cũng đang ở mức 0%.
Các mỏ than hiện nay của Tập đoàn than khoáng sản giờ đa phần khai thác ở dưới sâu, thậm chí âm 300 m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ với hệ số bóc đất tăng 3 lần, làm tăng chi phí sản xuất, giá thành cũng tăng theo.
Loại than chúng ta tồn kho là than cám 6 trong khi phải nhập khẩu than cám 4b, để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện. Một chuyên gia trong ngành cho biết, các nhà máy nhiệt điện đốt than ở nước ta luôn phải trộn than trong nước và than nhập khẩu bởi than nội địa có hiệu suất cháy thấp.
Chưa kể, theo quy hoạch ngành than đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm vào khoảng 75 triệu tấn nên việc nhập khẩu than số lượng lớn để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện được xem là đương nhiên.
Trước mắt với công nghệ khai thác cũ, gia tăng chi phí, cạnh tranh kém so với than nhập khẩu, có lẽ ngành than cần phải tính đến chuyện tự cứu mình trước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!