Nguồn tin của Bloomberg cho hay Toshiba đã đồng ý vào hôm 23/3 về giá mua đấu thầu khoảng 2.000 tỷ Yen, tương đương 15,3 tỷ USD từ hãng Japan Industrial Partners (JIP). Mức giá này cao hơn 9,6% so với giá cổ phiếu đóng cửa của Toshiba trong phiên 23/3.
Trong cuộc đua mua lại Toshiba, khoảng 20 tập đoàn Nhật Bản đã bỏ giá đấu thầu. Hãng tin Bloomberg nhận định nếu thông tin này được xác nhận thì đây có thể là dấu chấm hết cho quãng thời gian nhiều năm gặp các bê bối lớn của tập đoàn công nghệ điện tử nổi tiếng Nhật Bản. Đồng thời chấm dứt những tranh cãi với cổ đông nước ngoài khi chủ sở hữu mới của Toshiba là một tổ chức Nhật Bản thuần túy, bao gồm 17 công ty nội địa và 6 ngân hàng.
Toshiba của Nhật Bản đã đồng ý với thỏa thuận bán lại cho một hãng điện tử tư nhân với giá hơn 15 tỷ USD.
Toshiba liên tiếp gặp nhiều khủng hoảng trong 8 năm qua, khởi đầu từ vụ bê bối kế toán năm 2015. Điều này khiến lợi nhuận bị thâm hụt và công ty phải tái cơ cấu toàn diện. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ Yen (1,2 tỷ USD) trong 5 năm. Con số này gấp 3 lần dự tính ban đầu của hãng. Toshiba lỗ chủ yếu ở các mảng cốt lõi tại Trung Quốc, Hàn Quốc và phải chuyển sang tập trung vào cơ sở hạ tầng, điện hạt nhân. Sau khi điều chỉnh lại, Toshiba báo lỗ 37,8 tỷ Yen năm 2014.
Đến đầu năm 2017, Toshiba liên tục trễ hạn công bố báo cáo tài chính do những rắc rối tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ. Lãnh đạo hãng này cũng không nghiên cứu cẩn thận việc mua lại CB&I Stone & Webster – thương vụ được coi là giải pháp để chi nhánh Westinghouse (chi nhánh của Toshiba tại Mỹ) hoàn thành các dự án lò phản ứng bị trì hoãn tại Georgia và Nam Carolina khi đó. Các dự án này của họ sau đó đều bị vượt dự toán và chậm tiến độ.
Việc đầu tư vào mảng năng lượng hạt nhân tại Mỹ khiến Toshiba lỗ 6,3 tỷ USD và mấp mé bờ vực bị huỷ niêm yết. Công ty buộc phải bán viên ngọc quý - đơn vị kinh doanh chip nhớ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu năm ngoái, các cổ đông đã không chấp nhận đề xuất chia tách Toshiba của ban lãnh đạo hãng. Đây như biện pháp thay thế cho việc bán tập đoàn cho quỹ đầu tư tư nhân - phương án mà nhà đầu tư mong muốn. Thất bại của kế hoạch này đã thúc đẩy ban lãnh đạo tìm kiếm các lựa chọn chiến lược cho tương lai Toshiba, trong đó có việc bán mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!