Ngày 15/10, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP Hồ Chí Minh đã được vận hành thử để tiến hành nghiệm thu. Đây là thông tin được rất nhiều người dân thành phố quan tâm, chờ đợi, dự kiến là trong tháng 12 tới đây tuyến metro này sẽ chính thức được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh cải thiện giao thông công cộng, hệ thống đường sắt đô thị được đánh giá sẽ tạo nên nhiều giá trị có tính lan tỏa trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, bên cạnh tuyến này, theo kết luận của Bộ Chính trị, từ nay tới 2035, TP Hồ Chí Minh sẽ phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới metro thêm 7 tuyến nữa, với tổng chiều dài khoảng 180km.
Điểm đầu của tuyến metro số 1 là Ga Bến Thành - ga ngầm lớn nhất và cũng là đẹp nhất của toàn tuyến, mọi công tác đã gần như hoàn thiện 99%. Trong quá trình chạy và vận hành thử thì các đoàn tàu sẽ chạy giống như vận hành thương mại với nhiều kịch bản ứng phó khác nhau. Sau thời quá trình này, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện công tác nghiệm thu và dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào cuối tháng 12/2024.
Hiện các thiết bị vận hành gần như đã được hoàn thành lắp đặt xong. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, một số gói thầu, 1 vài hạng mục sẽ hoàn thiện 100% cuối tháng này. Để đảm bảo tiến độ, các công tác liên quan đến việc nghiệm thu đang được tiến hành làm song song.
Ông Phan Công Bằng - Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Metro TP Hồ Chí Minh cho biết: "Ban đường sắt cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đang kiểm soát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các bộ ngành trung ương để giải quyết các vướng mắc nếu có trong quá trình thực hiện các thủ tục tiếp theo và đảm bảo tiến độ vận hành trong năm 2024".
Dự án metro số 1 dài gần 20km, đi qua các Quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Đây là tuyến đường trọng điểm với một lượng rất lớn phương tiện giao thông cá nhân. Việc đi vào vận hành tuyến metro này sẽ giúp giảm được tình trạng ùn tắc đáng kể khu vực này.
TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho hay: "Tôi nghĩ rằng nó sẽ đóng góp quan trọng ở bước đầu cho giao thông công cộng, và cũng giảm được nhất định lượng giao thông cá nhân, giảm ùn tắc, và chính vì vậy hoạt động kinh tế sẽ thông thoáng hơn".
Theo các chuyên gia, việc vận hành tốt tuyến metro số 1 sẽ giúp dần hình thành thói quen đi phương tiện công cộng cho người dân. Để thu hút người dân sử dụng, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức vận hành, kèm với các tiện ích, ví dụ như bãi xe quanh các trạm dừng, quy hoạch các khu chức năng, khuyến khích các doanh nghiệp đưa dịch vụ tiện ích về khu vực này.
TP Hồ Chí Minh xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị
TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị đến năm 2060, với nhiều điểm mới trong phương thức triển khai và nhiều cơ chế đặc thù.
Muốn thu hút và tăng số lượng người dân đi metro thì chỉ 1 tuyến như metro số 1 là không đủ, mà thành phố phải phải đầu tư cả những tuyến metro khác nữa. Bởi theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì việc tăng tỷ lệ đầu tư thêm số km metro sẽ tăng tỉ lệ người sử dụng phương tiện này.
Khảo sát thực tế từ thành phố Quảng Châu, Trung Quốc cho thấy khi thành phố này vận hành tuyến metro số 1 đầu tiên vào năm 2003, chỉ có 5% người dân sử dụng. Nhưng số lượng người dân đã dần tăng theo các năm khi thành phố này đầu tư thêm các tuyến khác. Và đến năm 2020, khi đạt con số đầu tư 530km, đã có 60% người dân đi metro.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo kết luận của Bộ Chính Trị, thành phố được quy hoạch 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220km, trong đó riêng metro là 180km. Để đạt mục tiêu này, trong cuộc họp kinh tế mới đây, đại diện Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết, thành phố đã xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị đến năm 2060, với rất nhiều điểm mới trong phương thức triển khai và nhiều cơ chế đặc thù.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thời gian qua nhiều đồng chí cũng đặt câu hỏi, với tuyến số 1 chúng ta có nhiều vướng mắc như vậy nhưng mà sắp tới chúng ta có 180km trong vòng 10 năm thì chúng ta có làm được không? Thì chính vì vậy chúng ta mới làm đề án này. Đề án này thứ nhất chúng ta hoạch định phương án, lộ trình đầu tư. Đặc biệt là có 31 cơ chế chính sách, rút ngắn các khâu, đầu tư dành riêng cho đường sắt đô thị".
"Chúng tôi cũng đi nghiên cứu nhiều mô hình và cách điều hành ở các nước như TP Quảng Châu, Thổ Nhĩ Kỳ, với 180km trong vòng 10 năm thì hoàn toàn có thể, nếu chúng có cơ chế đặc thù, nếu chúng ta có đội ngũ nhân sự để đảm bảo được, nhân sự ở đây là của ban, của các đơn vị tư vấn, và của các nhà thầu", ông Phan Công Bằng - Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị metro TP Hồ Chí Minh cho hay.
Trong đề án này, TP Hồ Chí Minh đã hệ thống các chính sách rất lớn, từ khâu thiết kế, quy hoạch chi tiết, chọn nhà thầu, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho khâu duy tu, bảo dưỡng, lựa chọn công nghệ, chính sách tài chính, vận hành. Và hiện TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện đề án này để trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Để đạt mục tiêu xây dựng thêm 180km trong 11 năm nữa thì số vốn đầu tư cần có là 36 tỷ USD. Theo các chuyên gia, đây là một mục tiêu rất thách thức, đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải có nhiều cơ chế đột phát trong thu hút nguồn lực đầu tư và mô hình tổ chức.
Cần nhiều cơ chế đột phá để hoàn thành 180km metro
TP Hồ Chí Minh kiến nghị được đấu giá quyền sử dụng đất xung quanh các tuyến metro, dự kiến, thành phố sẽ thu được 40 tỷ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho metro.
Theo đề án phát triển đường sắt đô thị, TP Hồ Chí Minh ưu tiên các nguồn lực: ngân sách, trái phiếu, và đặc biệt là nguồn lực từ phát triển mô hình đô thị TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Cụ thể, TP Hồ Chí Minh kiến nghị được đấu giá quyền sử dụng đất xung quanh các tuyến metro, dự kiến, thành phố sẽ thu được 40 tỷ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho metro.
TS. Phạm Trần Hải - Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Phát triển đô thị theo mô hình TOD thì đây cũng là cơ chế mà cũng được nêu trong Nghị Quyết 98 của Quốc Hội. Một cái nữa là "chuyển quyền phát triển không gian", đây cũng là cơ chế rất hay, cơ chế này cho phép nhà nước điều tiết giá trị gia tăng do các khu đất trong khu vực xung quanh nhà ga metro chúng ta được nâng hệ số sử dụng đất lên, thì sẽ nâng giá trị của các khu đất".
Mới đây, thành phố đề xuất giữ lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026-2030 để làm đường sắt đô thị.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và kêu gọi người dân mua. Và thành phố sẽ tính toán khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến metro để có nguồn kinh phí tốt để trả lại lợi ích cho người dân.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, từ bài học của tuyến metro số 1, thành phố cần tổ chức thành một quy trình chuẩn để có thể cùng lúc đầu tư song song các tuyến, và điều này cần đòi hỏi sự phối hợp toàn diện giữa các sở ngành.
"Các sở như Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng phối hợp với nhau để tạo nên một kịch bản hài hòa mỗi giai đoạn thì các sở đóng vai trò như thế nào và làm sao để cho nó ăn khớp nhau về tiến độ, bởi một mắc xích mà nó chậm là nó ảnh hưởng đến toàn dự án", TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, thành phố đã có Nghị Quyết 98, tuy nhiên, điều này chưa đủ mà cần phải có những cơ chế, chính sách đột phá để các thành phố có những cơ sở pháp lý vững vàng hoàn thành mục tiêu thách thức 10 năm - 180km metro.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!