Quý I năm nay, TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân trên 5.500 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 7,2% tổng vốn được giao, gấp hơn 3,4 lần so với cùng kỳ. Từ nay cho đến cuối năm, TP. Hồ Chí Minh phải giải ngân hơn 73.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, nghĩa là mỗi tháng cần giải ngân 8.000 tỉ đồng. Đây là khối lượng công việc không nhỏ đòi hỏi vai trò quan trọng của các cấp cán bộ điều hành.
Thiếu cát trong xây dựng nhiều công trình trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh dẫn đến chậm trễ tiến độ. Đây là một trong những vướng mắc lớn đang được các ngành chức năng tìm giải pháp xử lý. Theo lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, người điều hành dự án không thể để tình trạng này kéo dài bởi lẽ trong quá trình đấu thầu, nhà thầu đã phải cam kết đảm bảo vật tư, cát san lấp.
Việc chi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án năm 2023 phải kết thúc trong quý II
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Có công trình 2 tháng, có công trình 6 tháng không có cát, nhà thầu vẫn cứ ì ra và nói rằng chuyện này là của chủ đầu tư, chuyện này là của Ủy ban Thành phố. Chúng ta hỗ trợ nhà thầu nhưng nhà thầu cũng phải tích cực chủ động giải quyết vấn đề này. Cho nên, tôi đề nghị chủ đầu tư phải bàn bạc kỹ lưỡng và thực hiện nghiêm hợp đồng".
Trong năm 2024, các quận huyện tiếp tục tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Sự chủ động của người đứng đầu quận huyện được xác định là yếu tố quan trọng để thực hiện.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Việc này địa phương làm có thuận lợi là chúng tôi chủ động và chia sẻ trách nhiệm với các Sở ngành Thành phố. Cho nên, thời gian, thủ tục mà địa phương chủ động được và cũng góp phần cho địa phương sớm triển khai việc thực hiện phê duyệt giá đất".
Cùng với việc chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu cán bộ người đứng đầu phải phải sát sao với từng dự án. Có thể kể đến các dự án trọng điểm như tuyến Metro số 2, dự án Vành đai 2, dự án cầu đường Nguyễn Khoái.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến thêm: "Ở đây, chúng ta phải thực hiện mạnh đối với nội bộ nếu cán bộ không đủ năng lực để quản lý dự án phải có sự sắp xếp điều chỉnh. Đối với nhà thầu, chúng ta phải xử lý yếu kém, chây lì, vi phạm".
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đề nghị, các sở ngành phải tăng cường trách nhiệm trong giải quyết thủ tục có liên quan. Trong đó, việc chi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án năm 2023 phải kết thúc trong quý II, cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào ngày 30/6, bàn giao để khởi công vào quý III/2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!