Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở nói chung và nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp là khá lớn và khả năng đáp ứng nguồn cung nhà ở xã hội, cũng như quy mô dư nợ tín dụng cho hoạt động này thì có hạn. Song nhìn lại quá trình thực hiện cũng ghi nhận một số những kết quả.
Trong đó, cho vay nhà ở xã hội đã trở thành chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Đến nay, tổng dư nợ cho vay tại TP Hồ Chí Minh đạt 108,8 tỷ đồng cho 290 khách hàng. Kết quả này thể hiện ý nghĩa nhân văn rất lớn khi các đối tượng vay mua nhà ở xã hội đều là đối tượng nghèo, thu nhập thấp thuộc đối tượng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, khả năng trả nợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thu nhập của người dân. Đồng thời, tạo ra sự đồng thuận, sự chia sẻ và trách nhiệm trong thực thi chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại chủ động đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội; hoặc chủ động các giải pháp tín dụng, với các ưu đãi về lãi suất, về thời hạn vay… để hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà. Đến nay, trên cơ sở danh sách dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do UBND TP Hồ Chí Minh công bố (gồm có 6 dự án nhà ở xã hội), có 3 dự án đã và đang vay vốn tín dụng ngân hàng. Riêng dự án nhà ở cho công nhân thuê trên địa bàn TP Thủ Đức do Công ty cổ phần Thủ Thiêm Group thực hiện đã giải ngân 170 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện có 3 chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đang được thực hiện cùng lúc để người dân có thể tiếp cận.
Đầu tiên là chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố thực hiện cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo các quy định hiện hành. Lãi suất áp dụng được Thủ tướng Chính phủ quy định và ban hành theo từng thời kỳ. Đây là một trong những chính sách quan trọng, góp phần hỗ trợ vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho đối tượng là người thu nhập thấp, đối tượng chính sách theo các quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, người dân có thể được hỗ trợ từ chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thông qua các Ngân hàng thương mại theo Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia cho vay, ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Việc cho vay được thực hiện theo nguồn vốn tái cấp vốn và lãi suất quy định.
Cuối cùng là chính sách cho vay nhà ở xã hội thông qua triển khai thực hiện gói tín dụng ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Có 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã đăng ký và đưa ra gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, với quy mô ban đầu là 120.000 tỷ đồng, cho vay chủ đầu tư dự án và đối tượng mua nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, gói vay này hiện đã được nâng lên 140.000 tỷ đồng, với sự gia nhập của 4 ngân hàng thương mại tư nhân là VPBank, TPBank, MBBank và TechcomBank. Lãi suất cho vay hiện nay áp dụng đối với người mua nhà là 6,5%/năm, chủ đầu tư là 7%/năm, đã được điều chỉnh giảm mạnh khoảng 1,7% so với thời điểm bắt đầu triển khai.
Để tiếp tục mở rộng và tăng cường tín dụng cho vay nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố cho rằng, trong ngắn hạn cần tiếp tục các chính sách tín dụng ưu đãi. Trong đó, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay vốn. Những yêu cầu này phù hợp với bản chất chính sách tín dụng nhà ở, phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và thu nhập của đối tượng chính sách, của người thu nhập thấp. Yếu tố cơ sở này sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở xã hội hiệu quả và bền vững.
Song song đó, cơ quan quản lý cũng cần tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý của dự án. Dự án có đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện vay vốn sẽ tiếp cận thuận lợi vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng trong gói 120.000 tỷ đồng nói riêng.
Để tăng cường khả năng tiếp xúc, tiếp cận dự án, cần tiếp tục duy trì giải pháp về cung cấp thông tin; về tư vấn và về tháo gỡ khó khăn vướng mắc trực tiếp, với phương thức phối hợp bốn bên gồm Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, chủ đầu tư dự án và sở ngành liên quan để nắm bắt tình hình, khó khăn và giải quyết trực tiếp những khó khăn mang tính thủ tục hành chính (nếu có phát sinh).
Ngoài ra, cần tổ chức triển khai thực hiện những điểm mới từ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và những điểm mới từ Luật các tổ chức tín dụng… Đây cũng sẽ là những điều kiện thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng cho vay nhà ở xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!