Tham khảo tại AEON Mall, đại diện hệ thống này cho hay đã tăng lượng dự trữ thực phẩm để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của khách hàng. Cụ thể: thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, cá) tăng 400 – 600%; thực phẩm khô tăng 200 – 400%.
Thực phẩm tươi sống được dự trữ nhiều đảm bảo nhu cầu của người dân
Từ ngày 13/7, theo đề nghị của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, AEON bắt đầu triển khai các xe bán hàng lưu động tại các khu đông dân cư để kịp thời giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu của người dân. Chương trình dự kiến sẽ triển khai trong suốt giai đoạn TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16. Các xe bán hàng lưu động sẽ đến lần lượt các điểm bán mỗi ngày theo lộ trình Sở Công thương và UBND các Quận đã bố trí.
Hoạt động này nhằm đảm bảo người dân tại các khu vực khác nhau đều có thể dễ dàng mua được hàng hóa thiết yếu. Sở Công thương và UBND Quận sẽ thông tin đến người dân về thời gian và điểm bán tại khu dân cư theo từng ngày.
Trả lời câu hỏi về lượng hàng online, AEON cho hay, từ cuối tháng 5 khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên cả nước, số lượng đơn hàng qua các kênh trực tuyến đã tăng đột biến. Cụ thể chỉ tính riêng tháng 6, số lượng đơn hàng qua GrabMart tăng gần 4 lần, qua ứng dụng AEON tăng đến 7 lần so với tháng 5.
Tiếp đó, tới ngày 9/7 khi TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra đường để đảm bảo phòng dịch, số lượng đơn hàng tiếp tục tăng, đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô.
Các siêu thị phục vụ đa kênh, ngoài bán hàng trực tiếp còn đẩy mạnh các kênh online
Theo ông Nguyễn Nhơn Quý – Trưởng phòng Truyền thông AEON Việt Nam, trong một số thời điểm, các siêu thị AEON phải tạm thời phân bổ lại thời gian xử lý đơn hàng. Chuỗi siêu thị này cũng cho biết đã và đang tiếp tục tăng cường nhân sự cho các kênh bán hàng online để tiếp nhận và chuẩn bị đơn hàng, kịp thời giao cho khách.
Hiện hệ thống siêu thị này cũng cung cấp các món ăn chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của khách hàng. Khách hàng có thể đặt mua các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như hoa quả cắt sẵn, bánh mì, sushi, gà rán… trên ứng dụng giao hàng ngay.
Trong khi đó, đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, Satra... đều khẳng định nguồn hàng lương thực thực phẩm cho thị trường TP HCM không thiếu, DN đang sắp xếp cho phù hợp với bối cảnh mới. Trong đó, tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ cung cấp trong vòng 1-3 tháng, đa dạng hình thức bán hàng.
Đại diện MM Mega Market cho biết ngoài việc tăng dự trữ, tổ chức phục vụ đối tượng khách hàng hiện hữu tại siêu thị, khách đặt online, hệ thống MM Mega Market còn phối hợp với Sở Công Thương tổ chức cung cấp hàng nông sản, thủy sản giá sỉ cho tiểu thương các chợ truyền thống trong thời gian chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động.
Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã công bố gần 3.000 điểm bán thực phẩm, hàng thiết yếu hoạt động trong những ngày thành phố thực hiện Chỉ thị 16.
Theo Sở Công thương TP, có 2.833 điểm bán lương thực, thực phẩm hàng thiết yếu… sẽ hoạt động bình thường trong những ngày thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong đó hầu hết là các siêu thị (106 siêu thị), cửa hàng tiện lợi (2.616 cửa hàng) và các chợ truyền thống đảm bảo tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh (111 chợ) ở hầu khắp các quận, huyện của thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!