Điều này nhằm đẩy mạnh việc cung ứng hàng hoá thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương thông tin tại cuộc họp báo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối ngày 19/7.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, hiện đã có 3 chợ đầu mối cùng hơn 2/3 chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Việc cung ứng, phân phối hàng hoá cho người dân Thành phố do đó đã chuyển sang tập trung vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… làm gia tăng áp lực cung ứng cho những kênh này và tạo nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch.
Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương giao Sở Công Thương Thành phố xem xét thực hiện mở cửa một số chợ truyền thống an toàn, thí điểm cho mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả… trên địa bàn nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hoá, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, đối với các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động thì chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch; có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K. Các chợ tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá. Nếu không gian chợ chưa đảm bảo thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để tiểu thương và người dân họp chợ an toàn. Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại chợ sẽ do Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ tình hình dịch và điều kiện thực tế quyết định.
Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương giao Sở Công Thương Thành phố xem xét thực hiện mở cửa một số chợ truyền thống an toàn. Ảnh minh họa.
Nhằm giúp cho việc hoạt động trở lại của các chợ truyền thống được hiệu quả, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn đến ban quản lý và tiểu thương tại các chợ giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống; sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ. Sở cũng hướng dẫn các chợ các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch như: nguyên tắc 5K, phân luồng, bán hàng theo gói để đẩy nhanh thời gian mua hàng của người dân...
Hiện TP Hồ Chí Minh có 39 chợ vẫn còn hoạt động, chủ yếu tập trung ở thành phố Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi cùng 3 chợ vừa mở cửa trở lại sau thời gian ngưng hoạt động là chợ Phú Thọ (Quận 11), chợ An Đông (Quận 5) và chợ Kiến Thành (quận Bình Tân). Các quận, huyện còn lại đang xây dựng phương án và sẽ sớm tiếp tục tổ chức mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn. Dự kiến, có khoảng 40 chợ truyền thống sẽ sớm mở lại nếu đáp ứng các điều kiện trên.
Về ngăn chặn việc tăng giá khi mở lại chợ truyền thống, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, việc giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng những ngày qua không liên quan đến việc đầu cơ tích trữ mà do hệ thống phân phối gặp khó khăn do dịch. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị cũng cố gắng kiềm giá bán dẫn đến sự chênh lệch giá trong siêu thị và ngoài chợ. Nhiều người đã lợi dụng việc chênh lệch giá này để gom hàng từ siêu thị mang ra ngoài bán lại giá cao.
Thời gian qua, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các đoàn thanh tra, giám sát, kịp thời tham mưu với Ủy ban nhân dân Thành phố để có chỉ đạo ngăn chặn việc tăng giá thực phẩm, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Trong ngày mai 20/7, Sở Công Thương Thành phố sẽ có buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh để bàn phương án tăng cường kiểm soát các hệ thống phân phối, kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng việc chênh lệch giá để thu gom thực phẩm, hàng hoá về bán nâng giá. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, khi các chợ truyền thống, đầu mối mở lại, lượng hàng hoá sẽ về nhiều hơn, việc tăng giá tại các chợ sẽ khó xảy ra hơn.
Trước đó, khi các tỉnh miền Tây Nam Bộ đồng loạt giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã chủ động làm việc với nhiều doanh nghiệp đầu mối, đơn vị cung ứng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để tính toán nguồn hàng nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong mùa dịch.
Đến nay, tình hình đi mua sắm của người dân TP Hồ Chí Minh đã giảm rõ rệt về số lượng người mua hàng cũng như số lượng hàng hoá tiêu thụ. Trong khi đó, lượng hàng doanh nghiệp chuẩn bị ngày một tăng lên, điểm bán nhiều hơn, các chuyến hàng lưu động nhiều, có khi còn hàng tồn phải mang về. Áp lực lên hệ thống phân phối lương thực, thực phẩm trên địa bàn Thành phố có thể nói là đã tạm ổn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!