TP.HCM triển khai nhiều giải pháp tái cấu trúc DN

Duy Ly - Kim Dung -Thứ hai, ngày 21/01/2013 11:23 GMT+7

Ảnh minh họa

Những đề xuất về giải pháp tái cấu trúc của các doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM được xem là ví dụ điển hình trong quyết sách tái cấu trúc kinh tế thành phố giai đoạn 2013-2015.

Khủng hoảng kinh tế kéo theo nhiều thách thức mà doanh nghiệp Việt phải gồng mình đối phó, nhưng đồng thời đây cũng được coi là cơ hội để doanh nghiệp tự đánh giá và làm mới chính mình thông qua quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp - một vấn đề nổi bật và được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn này.

Với 25 đơn vị thành viên hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, trong giai đoạn 2005-2011, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận toàn hệ thống hàng năm lần lượt đạt 12,86% năm và 32,7% năm. Đây là hiệu quả bước đầu từ sự quyết tâm tái cơ cấu hoạt động của Tổng công ty Bến Thành.

Với mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh vào năm 2020, đơn vị này cho rằng, ngoài rà soát, sắp xếp lại cơ cấu đầu tư, thực hiện thoái vốn để tập trung vốn đầu tư các lĩnh vực kinh doanh chính có thế mạnh và hiệu quả thì vấn đề quan trọng cốt lõi ở các đơn vị vẫn là đào tạo và trang bị nguồn nhân lực để có thể tiếp cận với vị trí mới, công việc mới sau khi tái cơ cấu.

Ông Nguyễn Quang Tiên, Tổng Giám đốc Benthanh Group cho biết: “Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đang triển khai nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề này. Do được sáp nhập từ các đơn vị có vốn thấp, trang thiết bị lạc hậu, hoặc thua lỗ nên Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo đơn vị này, để tái cấu trúc hiệu quả thì những chính sách về vốn, tập trung đầu tư công nghệ cao của doanh nghiệp cần được hưởng những ưu đãi. Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế của thành phố đã được quy hoạch phát triển tốt hơn.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, sau khi khảo sát hiện trạng doanh nghiệp, thành phố sẽ đề xuất một lộ trình tái cấu trúc với những mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Theo đó, các chuyên gia sẽ theo sát để hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt lộ trình này, còn thành phố sẽ hỗ trợ một phần chi phí tư vấn, hỗ trợ lãi suất vay trong vòng 7 năm cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “Chúng tôi phải tìm hiểu là doanh nghiệp gặp khó khăn gì, có điểm yếu gì mình sẽ khắc phục, những điểm mạnh sẽ phát huy. Chúng tôi "khám sức khỏe" chung cho doanh nghiệp, cái gì chính quyền giải quyết được thì giải quyết ngay, cái gì cần chính sách chung thì cần thời gian dài hơn”.

UBND TP.HCM nhận định, đa số doanh nghiệp nhà nước hiện nay hoạt động đa ngành nghề đều có lãi nhưng hiệu quả chưa cao so với tiềm năng và tài sản được nhà nước đầu tư, nên trong thời gian tới, trong đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước của thành phố, sẽ quản lý chặt chẽ về việc xây dựng ngành nghề chính, không đầu tư dàn trải, tập trung đầu tư nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước