Hội nghị đã ra tuyên bố chung, trong đó tái nhấn mạnh cam kết hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do khu vực trong năm nay, song cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại vướng mắc trên nhiều lĩnh vực. Tuyên bố nêu rõ: "Các nước đàm phán TPP đã tìm ra cách thức xúc tiến một gói thỏa thuận giữa các bên".
Trong khi các cuộc đàm phán về TPP nhằm đạt được một thỏa thuận tự do thương mại toàn diện thường đề cập tới 21 lĩnh vực, vòng đàm phán lần này chỉ tập trung vào 10 lĩnh vực, nhưng đều là các vấn đề khó như quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh và thuế quan.
Tại phiên họp kết thúc, đại diện phái đoàn Việt Nam đã lý giải thêm cho các bên đàm phán về hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam nói: “Chúng tôi đã làm rõ ngay từ khi gia nhập WTO là trong các hoạt động thương mại, tức là các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu, các doanh nghiệp quốc doanh luôn tuân theo các yếu tố thị trường. Chính phủ Việt Nam sẽ không can thiệp vào các hoạt động thường nhật của doanh nghiệp quốc doanh và chúng tôi cũng đã đưa ra những cam kết rằng, chúng tôi sẵn sàng tới đây để thảo luận với các nước về việc nâng cao chất lượng của doanh nghiệp quốc doanh”.
Nếu được thành lập, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Phái đoàn Nhật Bản, quốc gia vừa mới tham gia đàm phán về TPP đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận tự do hóa kinh tế này.
Ông Akira Amari, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản nhấn mạnh: "TPP có vai trò quan trọng đối với Nhật bản vì nó phù hợp với ba trụ cột trong kế hoạch kinh tế của Nhật Bản, giúp kết nối sự tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới với kinh tế Nhật Bản và mở rộng thị phần của các công ty Nhật Bản và quốc tế tại các thị trường khác nhau. Đây sẽ là sự hợp tác mà tất cả các bên cùng thắng”.
Theo kế hoạch, 12 nước thành viên TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam sẽ đạt sự thống nhất rộng rãi về TPP vào tháng 10 tới và ký hiệp định vào cuối năm nay. Mặc dù một số chuyên gia dự đoán có thể kéo dài đến năm 2014. Sau khi được thành lập, TPP sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) châu Á - Thái Bình Dương.