Ông Tăng Tiến Vinh, xã Lai Vu, Hải Dương cho biết: “Tôi mất đất, giờ nhiều tuổi, không công ăn việc làm, đi
làm thuê nay chỗ này, mai chỗ khác. Vợ tôi thì phải đi làm giúp việc”.
Đã có một thời các nhà đầu tư tìm cách lách luật là làm khu công nghiệp để lấy đất, vì vậy mới có nghịch lý: chúng ta lãng phí không biết bao nhiêu quỹ đất vào các khu công nghiệp, trong khi bản thân Việt Nam lại có nền công nghiệp yếu kém, với các sản phẩm công nghiệp đa số là lắp ráp, phụ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài, chúng ta chỉ được nhận tiền nhân công lắp ráp.
Ông Đặng Hùng Võ, Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Chúng ta có rất nhiều khu công nghiệp, công nghệ cao, nhưng sản phẩm công nghệ cao rất yếu. Tôi nhớ chỉ có duy nhất một sản phẩm Lioa là có tính phổ cập, có thể xuất khẩu”.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, việc tràn lan các khu công nghiệp bỏ hoang là minh chứng tiêu biểu cho việc chúng ta phát triển dựa trên vốn đầu tư mà không lấy yếu tố con người, yếu tố năng suất, hiệu quả làm then chốt. “Ngân hàng thế giới đã đánh giá Việt Nam có mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn đầu tư, không dựa trên yếu tố con người. Chính vì vậy mà hiện nay chúng ta đang rơi vào nợ xấu, kể cả việc quản lý tài nguyên, chúng ta cũng rất thiếu chuyên nghiệp, điển hình như câu chuyện về thủy điện, rồi khai thác khoáng sản”.
Những câu chuyện về quản lý tài nguyên từ khoáng sản, đến rừng, đến nước hay đất đai nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì sớm hay muộn cũng đến lúc các nguồn tài nguyên này cạn kiệt. Thế nhưng thay vì bảo vệ các nguồn tài nguyên này để phát triển kinh tế bền vững thì hiện nay, trong khi các khu công nghiệp cũ bị bỏ hoang, lại có không ít các dự án khu công nghiệp mới tiếp tục được triển khai.
Mời quý vị khán giả xem video chi tiết.