Bán hàng online hết cửa trốn thuế
"Bán hàng online hết cửa trốn thuế" là hàng title trên trang nhất tờ Lao Động. Bởi lẽ, Nghị định 126 mới ban hành tuần trước và có hiệu lực vào ngày 5/12 tới đây đã cụ thể hóa một số điều của Luật Quản lý thuế, từ đó tạo điều kiện để truy thu thuế các cá nhân, tổ chức có nguồn thu từ Facebook, Google, Youtube…
Bài viết này đã trích dẫn một vài dữ liệu rất đáng lưu ý do các ngân hàng cung cấp. Đó là có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng với tổng số thu nhập từ Google, Facebook, YouTube khoảng 1.462 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay cơ quan thuế mới chỉ thu được 14 tỉ đồng tiền thuế. Rõ ràng là một con số quá ít, vậy Nghị định 126 này có những quy định gì để giúp tăng thu thuế và tránh thất thoát?
Các ngân hàng bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan thuế, chấm dứt cảnh trốn thuế từ cá nhân kinh doanh online. Ảnh: Dân trí.
Điều 30 của Nghị định này đã quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế như tên chủ tài khoản, mã số thuế, các thông tin giao dịch…
Với nhiều quy định chi tiết, tờ Lao động cho rằng Nghị định đã giải quyết được khâu khó nhất hiện nay là thực hiện khấu trừ nộp thuế đối với những giao dịch mà nhà cung cấp không có trụ sở ở Việt Nam. Đây sẽ là bước tiến lớn để mảng thương mại điện tử bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ thuế mà lâu nay vẫn né được thuế do quy định chưa cụ thể, rõ ràng.
Người nộp thuế sợ bị lộ thông tin cá nhân
Thực tế, dữ liệu thông tin tài khoản cá nhân rất đồ sộ nên cơ quan thuế phải chọn lọc, đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin theo từng nhóm đối tượng cụ thể.
Theo quan điểm của luật sư, tài khoản ngân hàng liên quan đến dòng tiền nên cơ quan thuế cần giới hạn yêu cầu cung cấp thông tin, ban hành tiêu chí ai là người được quyền yêu cầu, tiếp nhận, xử lý, lưu giữ và bảo mật thông tin. Tài khoản nào có giao dịch đột biến hoặc khả nghi vi phạm về thuế sẽ đề nghị ngân hàng cung cấp nhằm đáp ứng nhiệm vụ thu ngân sách.
Doanh nghiệp và người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: NLĐ.
Nôi dung khác mà tờ Thanh Niên bày tỏ lo ngại trong Nghị định 126 này đó là nếu cho phép ngân hàng khấu trừ thuế ngay trên tài khoản khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền về tài sản của người dân. Làm việc sẽ khiến nhiều người không dám thanh toán, giao dịch qua ngân hàng mà quay lại sử dụng tiền mặt nhiều hơn. Điều này đi ngược lại với chính sách khuyến khích người dân hạn chế không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đưa ra mấy năm nay.
Chống trốn thuế là nhiệm vụ quan trọng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin cá nhân - đó là quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính. Do Nghị định chưa thể quy định chi tiết, Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn để các ngành triển khai và sau một thời gian sẽ có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Đây là vấn đề khó và phức tạp, thậm chí nhiều nước trên thế giới cũng đang gặp vướng mắc trong việc thu thuế trên các nền tảng xuyên biên giới, không chỉ nước ta. Đặc biệt liên quan đến thu thuế nhà thầu cũng gặp phải nhiều vướng mắc.
Có thể hiểu đơn giản là, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho ngân hàng thương mại xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế với các giao dịch của người mua là các nhân ở Việt Nam.
Tuy vậy, theo tờ Tiền Phong, không hề dễ dàng đối với phía ngân hàng xác định rõ về thuế nhà thầu để áp dụng cho đúng, nên dẫn đến có thể yêu cầu được giữ lại một phần tiền của doanh nghiệp trong khi chưa chắc giao dịch có phát sinh thuế.
Chính bởi những đặc thù rất phức tạp của các nền tảng công nghệ xuyên biên giới mà cần một cách tiếp cận vừa thông thoáng để đảm bảo không vi phạm những quy định về mở cửa thị trường như tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhưng cũng phải vừa chặt chẽ đủ để tránh thất thu thuế, tạo nguồn lực cho các kế hoạch phát triển của đất nước.
Doanh nghiệp nói thời điểm chưa phù hợp, cần nghiên cứu
Cũng liên quan tới việc triển khai thực hiện Nghị định 126, còn một nội dung khác đang gây nhiều tranh cãi là quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp nộp thiếu số thuế tạm nộp sẽ phải nộp tiền chậm nộp. Ngay lập tức, các doanh nghiệp đã có phản ứng, cho rằng chưa phù hợp và cần nghiên cứu thêm.
Tờ Lao Động phân tích, 3 tháng cuối là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ Tết, biến động chi phí lương, thưởng nên doanh nghiệp không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm. Một năm dịch bệnh và thiên tai khiến cho việc đoán doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế cả năm nộp là điều không tưởng.
Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.
Nói về nghị định trên trong bài "Mệt mỏi với thuế", tờ Thanh Niên phân tích để tránh bị phạt, doanh nghiệp chỉ có cách nộp dư hơn, cao hơn. Nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tiền đâu mà nộp dư? Có thể thấy, chính sách thuế vừa bất hợp lý, vừa tính già hóa non, được con tép mà mất con tôm. Quan trọng hơn, nó còn làm mất động lực phát triển của doanh nghiệp.
Trong khi đó, trên tờ Thời báo Tài chính, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc đã phân tích: Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải kê khai thuế hàng quý mà chỉ tạm nộp thuế, nhiều doanh nghiệp đã chấp hành tốt quy định này. Do vậy, quy định này sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp dồn nộp vào các tháng cuối năm, giúp cân đối ngân sách nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!