Doanh nghiệp lo bị phạt chậm nộp thuế theo Nghị định 126

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 28/11/2020 13:53 GMT+7

VTV.vn - Trong tuần qua, hàng nghìn doanh nghiệp xôn xao trước việc sẽ có nguy cơ bị phạt chậm nộp thuế nếu kết quả kinh doanh quý IV cao hơn so với các quý đầu năm.

Làm tốt nhưng lại bị phạt, đây là băn khoăn của không ít doanh nghiệp đối với nghị định mới về thuế.

Theo Nghị định 126 có hiệu lực vào ngày 5/12, sau khi có kết quả kinh doanh 3 quý, tức chậm nhất vào ngày 31/10 hàng năm, doanh nghiệp phải tạm nộp trước 75% số thuế thu nhập của cả năm đó, tức doanh nghiệp phải dự báo được trước doanh thu của cả năm. Nếu doanh nghiệp dự báo quá thấp, hoặc vì bất cứ lý do nào mà doanh nghiệp tạm nộp chưa đủ mức 75%, thì doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp trên phần nộp thiếu đó, tính từ 31/10 - 31/1 năm sau, ít nhất là 3 tháng hoặc tới khi doanh nghiệp nộp đủ.

Còn Nghị định 91 trước đây cho phép doanh nghiệp tạm nộp cả 4 quý, tức có thể đợi tới chậm nhất 31/1 năm sau, khi kết quả kinh doanh cả năm đã rõ. Nếu số thuế doanh nghiệp tạm nộp không đủ 80% số thuế phải đóng thì mới bị tính tiền chậm nộp.

Về cơ bản, nghị định mới đã siết chặt thời hạn phải tạm nộp sớm thêm 3 tháng, trước khi năm kết thúc.

Năm 2021 mới áp dụng quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết Nghị định 91 cho phép doanh nghiệp hạn tạm nộp tới tháng 1 năm sau, do vậy có không ít doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này, không thực hiện việc tạm nộp thuế hàng quý mà để dồn đến tháng 1 năm sau mới nộp thuế vào ngân sách, ảnh hưởng đến nhiệm vụ cân đối ngân sách hàng năm. Do vậy, việc quy định 3 quý phải tạm nộp 75% là để tránh tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng thuế.

Doanh nghiệp lo bị phạt chậm nộp thuế theo Nghị định 126 - Ảnh 1.

Nếu tình hình dịch bệnh vẫn ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, kinh doanh thì ngành thuế sẽ tiếp tục đề xuất các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Dân trí)

"Thường là kế hoạch từng quỳ doanh nghiệp chưa xác định được ngay thuế thu nhập doanh nghiệp của quý. Tuy nhiên trong 3 quý, doanh nghiệp cơ bản cũng đã xác định được tình hình sản xuất kinh doanh của mình, cũng như đơn hàng và kế hoạch kinh doanh của quý IV. Doanh nghiệp cũng đã xác định được năm đó kết quả sản xuất kinh doanh của mình sẽ như thế nào và sẽ chủ động tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 3 quý của mình", bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế, cho biết.

Dù nghị định có hiệu lực từ 5/12 năm nay, nhưng quy định này chưa áp dụng cho năm nay, mà áp dụng từ năm 2021 trở đi.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 hoãn, giãn nộp thuế cho doanh nghiệp. Trong năm tới, nếu tình hình dịch bệnh vẫn ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, kinh doanh thì ngành thuế sẽ tiếp tục đề xuất các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, xét về tính hợp lý của chính sách mới, vấn đề đầu tiên mà không ít doanh nghiệp đặt ra, đó là yếu tố khó dự báo. Dù như ở trên, theo cơ quan thuế, 3 quý là đủ để doanh nghiệp dự báo quý còn lại, nhưng không ít doanh nghiệp lại không đồng tình. Bởi quý cuối năm là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, Tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng… Chưa kể những năm dịch bệnh thiên tai ảnh hưởng trong năm, những tháng cuối năm phục hồi trở lại, doanh thu cũng sẽ tăng vọt.

Doanh nghiệp băn khoăn về việc tính tiền chậm nộp của Nghị định 126

Một doanh nghiệp xây dựng cho biết, nhu cầu sửa chữa, xây nhà mới… của người dân thường tập trung vào cuối năm. Đây cũng là quý có mức doanh thu, lợi nhuận tăng cao nhất so với mức bình quân 3 quý còn lại. Mặc dù có thể xây dựng trong quý trước đó nhưng sang quý IV mới xong để quyết toán, cộng với những biến động về chi phí vật tư, nên việc dự đoán trước doanh thu là điều không thể.

Theo quy định hiện nay, thay vì cuối năm doanh nghiệp mới nộp 80% số thuế cho cả năm, thì với quy định mới, đến ngày 30/10 đã phải nộp trước 75%. Tuy nhiên, đây là thời điểm doanh nghiệp thường tập trung vốn để sản xuất kinh doanh, thậm chí là vay tín dụng để đầu tư.

Vấn đề dự báo là vấn đề thứ nhất còn gây tranh cãi. Vấn đề thứ hai là chiếm dụng. Theo cơ quan thuế, 3 quý, doanh nghiệp tạm nộp không đủ, có thể hiểu là một hình thức chiếm dụng tiền thuế và do đó sẽ bị phạt chậm nộp. Thế nhưng, ngược lại, nếu doanh nghiệp tạm nộp vượt mức 75% đáng ra doanh nghiệp phải nộp, thì phần nộp thừa đó, đối với doanh nghiệp, lại là phần vốn bị chiếm dụng mà không được trả lãi suất, trong khi với doanh nghiệp, bài toán dòng tiền luôn là bài toán khó.

Doanh nghiệp lo bị phạt chậm nộp thuế theo Nghị định 126 - Ảnh 2.

Về cơ bản, nghị định mới đã siết chặt thời hạn phải tạm nộp sớm thêm 3 tháng, trước khi năm kết thúc. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Một vấn đề gây tranh cãi nữa đó là yếu tố tâm lý đối với doanh nghiệp. Bởi có ý kiến cho rằng, quy định mới sẽ ảnh hưởng tới động lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi quý cuối năm, doanh nghiệp càng nỗ lực sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch, càng chịu rủi ro bị phạt chậm nộp thuế nhiều hơn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp quý cuối năm bất ngờ làm ăn bết bát, do có biến cố không lường trước, thì bản thân doanh nghiệp đang khó khăn, mà lại đã phải tạm nộp thừa một khoản thuế trước đó, sẽ càng khó khăn hơn.

"Chúng ta có thể quy định là số thuế tạm nộp ngân sách nhà nước từng quý từ 75% - 80% và tổng một năm vẫn có thể giữ là 80%. Điều đó vẫn đảm bảo giống như quy định cũ trước đây động viên nộp ngân sách là 80% nhưng được động viên ngay từ quý I, II, III và quý IV", ông Nguyễn Văn Được, chuyên gia thuế, chia sẻ.

Có thể thấy, việc tạm nộp thuế vào ngân sách là điều bình thường, giống như hàng tháng mỗi cá nhân đều phải tạm nộp số thuế thu nhập cá nhân của tháng đó. Tháng 3 năm sau đến kỳ quyết toán thuế mới thống nhất được số thuế phải nộp, nếu đóng thừa thì được hoàn lại, đóng thiếu thì phải nộp thêm.

Tuy nhiên, dòng tiền nộp và bị điều chỉnh của thuế thu nhập cá nhân không lớn, còn đối với doanh nghiệp, dòng tiền này tương đối lớn và sẽ có mức độ ảnh hưởng nhất định tới việc chủ động nguồn tiền để sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn đang tác động nhiều tới các ngành nghề như hiện nay và năm sau, có thể là cả năm sau nữa, chưa biết chắc liệu sản xuất kinh doanh đã có thể thực sự phục hồi hay chưa.

Đó cũng chính là lý do chính sách siết chặt thuế vào thời điểm cả nền kinh tế đang phục hồi cần hạn chế yếu tố gây sốc, ít nhất là tại thời điểm này. Trách nhiệm của doanh nghiệp là cân đối kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình để tạm nộp thuế vào ngân sách, thế nhưng, trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về thiên tai, bệnh dịch, đặc biệt như giai đoạn hiện nay, các chính sách cũng cần sự linh hoạt, với góc nhìn luôn là để ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chứ không phải làm khó.

Năm 2021, doanh nghiệp mới chịu sự tác động của Nghị định 126 về tạm nộp thuế TNDN Năm 2021, doanh nghiệp mới chịu sự tác động của Nghị định 126 về tạm nộp thuế TNDN

VTV.vn - Nghị định 126 có quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước