Nằm giữa chuỗi cung ứng lớn của châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên được đánh giá là có nhiều dư địa để phát triển sau hàng thập kỷ bế quan tỏa cảng. Dù mức sống còn thấp, Triều Tiên lại sở hữu một lực lượng lao động được giáo dục cẩn thận và có chi phí thấp, yếu tố quan trọng đối với một trung tâm sản xuất hàng dệt may và điện tử. Đó là chưa kể đến nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ gồm đất hiếm, sắt, vàng, mangan… với giá trị ước tính đạt 6.000 tỷ USD.
Theo ông Jim Rogers - Chủ tịch Rogers Holdings: "Triều Tiên bây giờ giống như Trung Quốc hồi thập niên 1980. Đây sẽ là quốc gia thú vị nhất thế giới trong vòng 20 năm tới. Mỗi thứ ở Triều Tiên đều là một cơ hội".
Trong khi Mỹ và phương Tây có thể còn thận trọng, Trung Quốc được dự báo sẽ là nhà đầu tư số 1 vào Triều Tiên khi sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào các ngành kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Còn tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất kế hoạch phát triển 3 vành đai kinh tế nối liền vùng trung tâm công nghiệp của nước này với Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Các tập đoàn lớn của xứ kim chi như Hyundai, Samsung, Lotte cũng đã lập những nhóm nghiên cứu phân tích tiềm năng đầu tư tại Triều Tiên.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Jason Gerlis - Hãng tư vấn TMF Group - cho hay: "Hiện giờ cơ hội kinh doanh tại đây vẫn còn khá thấp. Dường như vẫn còn khoảng cách lớn về công nghệ và kỹ năng lao động, yếu tố quan trọng cho việc kinh doanh. Mặc dù nguyên liệu thô là yếu tố hấp dẫn, sự khác biệt về chính trị có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Quan trọng hơn, dù đang rất cần vốn, Triều Tiên được dự báo vẫn sẽ giữ thái độ thận trọng, không tiếp nhận các khoản đầu tư quá lớn đổ vào nước này trong thời gian ngắn. Bình Nhưỡng cũng sẽ cố gắng đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, để tránh tình trạng phụ thuộc quá mức vào một đối tác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!