Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang thổi bùng lên hi vọng việc Triều Tiên sẽ mở cửa nền kinh tế. Đây là một trường hợp rất thú vị đối với các nhà kinh tế học bởi cho đến nay rất ít người biết được kinh tế Triều Tiên thực sự hoạt động ra sao và nó lớn đến cỡ nào?
Triều Tiên đã ngừng công bố các số liệu thống kê kinh tế từ những năm 1960. Tuy nhiên, từ năm 1990, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, cơ quan được coi là nguồn đáng tin cậy nhất về các số liệu kinh tế Triều Tiên, sử dụng các số liệu được biên soạn bởi Chính phủ và các cơ quan tình báo để ước tính.
Ảnh minh họa: Getty Images
Báo cáo mới nhất cho thấy, bất chấp các lệnh trừng phạt toàn cầu vì chương trình vũ khí hạt nhân, kinh tế Triều Tiên trong năm 2016 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 17 năm nhờ tăng xuất khẩu và tăng sản lượng khai khoáng cũng như các ngành nghề khác. Quy mô kinh tế đạt khoảng 32,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, Cục tình báo trung ương Mỹ CIA lại cho rằng trên thực tế, "sai số GDP có thể lên đến 10 tỷ USD".
Thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên khoảng 1.136 USD/năm. 90% hàng hóa xuất nhập khẩu hiện tại của Bình Nhưỡng là tới Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Triều Tiên đã phát triển rõ rệt kể từ khi ông Kim Jong-un nhậm chức vào tháng 12/2011. Nhiều cải cách, sáng kiến nhằm giải phóng nền kinh tế cũng như nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ tới các doanh nghiệp đã được thực hiện.
Ông Joong-ho Kim, Ngân hàng Eximbank Hàn Quốc cho biết: "Có thể nói dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, kinh tế Triều Tiên đã có nhiều thay đổi. Dễ thấy nhất là việc nhiều nhà hàng, quán cà phê được mở ra hay như taxi cũng đã đi lại trên phố thường xuyên hơn".
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, những bước tiến thời gian gần đây như tiến hành thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4/2018 và nay là cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ đương nhiệm đang cho thấy cách tiếp cận mở hơn rất nhiều của ông Kim khi đặt lên bàn đàm phán là chương trình hạt nhân. Đây vốn luôn được coi là "chiếc ô" bảo trợ về an ninh nhưng cũng là "vòng kim cô" lên kinh tế nước này suốt nhiều năm do các biện pháp cấm vận từ phương Tây. Phải chăng nền kinh tế bí ẩn nhất thế giới đang thức giấc?
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm nay nếu mang đến một thỏa thuận, mỗi bên sẽ phải có những sự nhượng bộ và trả giá nhất định. Tuy nhiên, tới lúc này, chưa ai có thể trả lời, điều đó làm nên sự kịch tính của cuộc đối thoại hiếm có nhất và quan trọng bậc nhất với tương lai khu vực Đông Bắc Á và thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!