Việc giãn cách xã hội và phong tỏa xã hội do bệnh dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang các dịch vụ kỹ thuật số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng truyền thống. Cùng với đó, ngân hàng truyền thống chuyển đổi số trong thời kỳ khủng hoảng cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.
Trong khi khách hàng mục tiêu của các ngân hàng kỹ thuật số vốn là những người dân chưa thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng (vùng sâu vùng xa, lao động tự do, hàng rong…), mà những đối tượng này lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, do đó kéo giảm lợi nhuận tiềm năng của ngân hàng kỹ thuật số.
Bởi những tác động tiêu cực từ đại dịch, Fitch Ratings cho rằng, hoạt động của ngân hàng kỹ thuật số sẽ chưa tạo ra được tác động đáng kể tới điểm số tín nhiệm.
Theo Fitch Ratings, khách hàng tiềm năng của ngân hàng kỹ thuật số tại châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu nằm ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Philippines, là các quốc gia có tỷ lệ dân số lớn chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Thế nhưng, đây cũng chính là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch trong khu vực. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại những quốc gia này cũng vẫn còn chưa phát triển, và công tác đánh giá rủi ro tín dụng của những người chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng bao giờ cũng sẽ khó khăn hơn.
Mặc dù một số ngân hàng kỹ thuật số tại châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu có lợi nhuận, như ngân hàng Webank của Tencent tại Trung Quốc hay ngân hàng Kakao Bank ở Hàn Quốc, thế nhưng, hầu hết các mô hình này chưa từng trải qua chu kỳ khủng hoảng kinh tế nào. Đợt khủng hoảng lần này có thể sẽ làm bộc lộ những điểm yếu của 1 vài ngân hàng số. Như với ngân hàng trực tuyến Monzo của Anh, các yếu tố bất định trong bối cảnh đại dịch đang làm các bất cập trong mô hình kinh doanh của ngân hàng này còn tồi tệ hơn.
Các ngân hàng kỹ thuật số mới nổi tại châu Á đang phải vật lộn để gia tăng quy mô trong bối cảnh đại dịch.
Do những tác động tiêu cực từ đại dịch, Fitch Ratings cho rằng, hoạt động của ngân hàng kỹ thuật số sẽ chưa tạo ra được tác động đáng kể tới điểm số tín nhiệm. Tuy nhiên, những ngân hàng kỹ thuật số sống sót được qua khủng hoảng này có thể sẽ trở thành mối đe dọa với các ngân hàng truyền thống chưa kịp chuyển đổi số.
Các ngân hàng kỹ thuật số có tiềm năng cạnh tranh lớn là những ngân hàng được gây dựng bởi những ông lớn công nghệ như Facebook, Alibaba, Reliance, hay Singtel. Các công ty này có khả năng duy trì các khoản đầu tư "nặng đô" để mở rộng quy mô của các ngân hàng kỹ thuật số, cạnh tranh về chi phí và sống sót qua giai đoạn thua lỗ ban đầu. Thương hiệu lớn với lượng người dùng có sẵn cũng đồng nghĩa với khả năng lôi kéo khách hàng dễ dàng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!