Hàng không toàn cầu hướng tới doanh thu nghìn tỷ USD
Theo một dự báo vừa được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) công bố, năm 2025 sẽ là năm ghi dấu những cột mốc quan trọng của ngành hàng không thế giới, khi lượng hành khách và doanh thu đều được dự kiến sẽ đạt các mức cao kỷ lục.
Theo cơ quan này, ngành hàng không toàn cầu có khả năng thu về hơn 1.000 tỷ USD doanh thu trong năm tới, khi lượng hành khách dự kiến đạt mức cao nhất mọi thời đại là 5,2 tỷ lượt, tăng đáng kể so với năm 2024.
Những con số này cho thấy ngành hàng không vẫn đang trên đà phục hồi tích cực, sau giai đoạn thua lỗ liên tiếp thời đại dịch COVID-19. Nhu cầu đi lại mạnh mẽ và giá nhiên liệu máy bay giảm là những yếu tố giúp các hãng hàng không khôi phục doanh thu. Tuy nhiên, theo IATA, lợi nhuận của ngành dù đã có sự cải thiện đáng kể so với năm ngoái, nhưng hiện vẫn còn khá hạn chế, đạt 36,6 tỷ USD.
Ông Willie Walsh - Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không, chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ vượt mức 1.000 tỷ USD. Đó là một thông tin tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lợi nhuận ròng của ngành, kết quả vẫn còn khiêm tốn. Mức lợi nhuận khoảng 36,6 tỷ USD nghe có vẻ khá lớn, nhưng chỉ tương đương với biên lợi nhuận ở mức khá thấp, khoảng 3,6%. Mức lợi nhuận trung bình của toàn ngành được dự báo là 7 USD trên mỗi hành khách trong năm 2025, cũng là một con số rất nhỏ”.
Trong số các khu vực, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường dẫn đầu về nhu cầu
Chi phí - thách thức lớn của ngành hàng không
Dù đã có sự cải thiện đáng kể về doanh thu và số lượng hành khách, triển vọng lợi nhuận của ngành hàng không vẫn chịu nhiều áp lực, do chi phí ở mức cao. Theo báo cáo của IATA, trong khi doanh thu có thể đạt mức tăng 4,4%, chi phí của ngành dự kiến cũng sẽ tăng theo 4% lên 940 tỷ USD trong năm tới. Các vấn đề chính về chi phí bao gồm áp lực lương cao, chi phí sân bay tăng. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu cũng có thể tăng trở lại do rủi ro địa chính trị và các hãng bay phải chi nhiều tiền hơn cho quá trình khử carbon.
Đặc biệt, chi phí bảo trì cũng được dự báo sẽ ở mức cao trong bối cảnh các nhà sản xuất máy bay lớn như Boeing hay Airbus đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các đơn hàng. Hãng tư vấn hàng không Alton dự báo, sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng máy bay sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành hàng không ít nhất là cho tới năm 2030, trong khi IATA cũng tỏ ra lo ngại.
Ông Willie Walsh - Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) chia sẻ: “Đây là vấn đề rất khó chịu với các hãng hàng không trên toàn thế giới và vẫn chưa có hồi kết. Tác động tức thời của sự chậm trễ này là các máy bay hiện đang phải hoạt động lâu hơn, với độ tuổi trung bình cao nhất từ trước tới nay. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí hoạt động vì hiệu suất nhiên liệu của máy bay cũ không tốt bằng máy bay mới. Chi phí bảo dưỡng cũng cao hơn, trong khi độ tin cậy thấp hơn”.
Triển vọng ngành hàng không châu Á - Thái Bình Dương
Trong số các khu vực, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường dẫn đầu về nhu cầu. Tính đến nay, thị trường này vẫn chưa thể đạt mức trước đại dịch, do sự phục hồi chậm của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm 2025, thị trường hàng không châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ ghi nhận những sự bứt phá mạnh mẽ nhờ các chính sách giúp hoạt động đi lại thuận tiện hơn.
Theo IATA, trong năm 2025, ngành hàng không châu Á - Thái Bình Dương sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số cả về nhu cầu và công suất vận chuyển, trong khi biên lợi nhuận ròng cũng tăng nhẹ, dù ở mức vẫn thấp hơn so với trung bình toàn cầu.
Công ty du lịch Amadeus cũng dự báo, trong năm 2025, châu Á - Thái Bình Dương sẽ giành lại vị thế là điểm đến hàng đầu, khi nhiều quốc gia trong khu vực mở rộng quyền đi lại miễn thị thực và đơn giản hóa các hạn chế nhập cảnh để thu hút khách du lịch quốc tế, dân du mục kỹ thuật số.
Trong đó, thị trường Trung Quốc - vốn chiếm khoảng 40% lưu lượng vận chuyển hàng không của khu vực, có thể ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ nhờ các biện pháp khuyến khích đi lại. Các dữ liệu gần đây cho thấy, số lượng chuyến bay chở khách quốc tế đến và đi từ Trung Quốc đã đạt khoảng 80% so với mức trước đại dịch.
Ông Liu Yue - Chuyên gia kinh tế trưởng, Viện nghiên cứu vận tải hàng không Trung Quốc nhận định: “Trung Quốc đã mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực và thực hiện một loạt chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh và xuất cảnh, thúc đẩy nhu cầu đến Trung Quốc của du khách quốc tế. Với sự mở rộng của nền kinh tế Trung Quốc, nhu cầu đi lại quốc tế và trao đổi kinh doanh sẽ tiếp tục gia tăng”.
Trong dài hạn, IATA dự báo lưu lượng hành khách quốc tế của châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 5,6% trong giai đoạn 2023 - 2043. Riêng khu vực các nước ASEAN được dự báo đạt mức tăng trưởng 6,1%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!