"Mọi hoạt động của công ty chỉ tập trung vào cổ đông ư? Hãy quên điều đó đi". Với triết lý kinh doanh tưởng chừng như ngược đời, tỷ phú Kazuo Inamori của Nhật Bản đã gây dựng nên công ty điện tử khổng lồ Kyocera, điều hành nhà mạng KDDI trị giá 64 tỷ USD, đồng thời vực dậy Japan Airlines khỏi nguy cơ phá sản vào năm 2010.
Tại Nhật Bản, ông Inamori không chỉ được người dân biết đến như một "huyền thoại sống" của giới chủ doanh nghiệp, mà còn là một phật tử, nhà tư tưởng lớn về triết lý kinh doanh. Triết lý coi trọng nhân viên, khuyến kích lòng trung thành đã mang lại thành công trong hầu hết các cương vị quản lý của ông trong hơn nửa thế kỷ qua.
Không còn điều hành tập đoàn Kyocera, nhưng triết lý và đạo đức kinh doanh của ông Inamori vẫn được các thế hệ nhân viên kế thừa. Thay vì chiêu mộ những nhân viên tài năng nhất, ông Inamori khuyến khích lòng trung thành ở người lao động.
Ông cho rằng những người làm việc chăm chỉ và có thái độ tích cực có thể khắc phục khuyết điểm về tài năng. Năm 2010, ở tuổi 77, ông nhận trọng trách khôi phục lại hãng hàng không Nhật Bản đang ngập trong nợ và chỉ sau một năm đã đưa công ty này ra khỏi khủng hoảng.
Mục tiêu của nhà quản lý, theo ông Inamori, không chạy theo lợi nhuận, nhưng phải tạo cơ hội cho sự cải tiến sản phẩm và trí tuệ người lao động, cũng như truyền cảm hứng cho những nỗ lực chung nhằm tạo ra các sản phẩm sáng tạo.
Thái độ làm việc được coi trọng, thái độ kém đương nhiên không tồn tại nỗ lực và tài năng, còn thái độ tích cực có thể cộng hưởng tất cả tạo nên thành công.
Là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất của Nhật Bản, ông thành lập công ty vào năm 1959 chỉ với 28 người, nhưng đến nay, nhân viên đã lên đến 70.000 người, công ty cũng như trụ sở trải dài ở nhiều nước trên thế giới.
Inamori quyết định trở thành một nhà sư với pháp danh Đại Hòa tại một ngôi chùa ở Kyoto, ông viết nhiều cuốn sách về triết lý và được dịch sang nhiều thứ tiếng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!