Trung Đông cảnh báo cuộc chiến giá dầu chưa chấm dứt

Vân Anh (Thường trú Đài THVN tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 21/04/2020 09:00 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Sau những lạc quan ban đầu, dư luận Trung Đông những ngày qua đã liên tục cảnh báo về một tương lai bất định của giá dầu.

Giá dầu tụt dốc lịch sử trong bối cảnh các quốc gia OPEC và Nga vừa đạt được một thỏa thuận lịch sử, cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày. Nhưng tại Trung Đông, những gì vừa diễn ra lại không hẳn là điều gì quá gây bất ngờ.

Các quốc gia OPEC và Nga đã đạt được một thỏa thuận lịch sử, cắt giảm sản lượng tới gần 10 triệu thùng/ngày. Vậy nhưng sau những hồ hởi ban đầu, báo chí Vùng Vịnh cũng phải thừa nhận những gì vừa đạt được chỉ giống như một thỏa thuận "ngừng bắn", thay cho một nền hòa bình lâu dài.

Báo Arabian Business chỉ ra một điểm mấu chốt, cắt giảm 10 triệu thùng/ngày, con số tưởng là lớn nhưng lại không hề là như vậy.

Với Saudi Arabia, họ đã tăng sản lượng lên mức kỷ lục trong cuộc chiến giá dầu, nay cắt giảm đi, thực chất chỉ là đưa về mức trước cuộc chiến. Trong khi với Nga hay Mỹ, mức cắt giảm được cho cũng chỉ là phần dầu không ai mua do dịch COVID-19.

Với những gì vừa kể trên, tờ báo viết, người ta sẽ không ngạc nhiên nếu cuộc chiến dành thị phần giữa Saudi Arabia, Nga và Mỹ sẽ bùng phát trở lại, một khi những lệnh giãn cách xã hội bị nới lỏng và nhu cầu dầu trở lại.

Thực tế, OPEC+ chỉ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán cho một thỏa thuận sau khi nhận được cú hích từ phía Mỹ, bày tỏ cũng sẵn sàng cắt giảm sản lượng để cứu vớt thị trường dầu. Nhưng theo The National, sự sụt giảm nhu cầu của thị trường thực tế vẫn lớn hơn rất nhiều mức cắt giảm sản lượng. Nhiều nhà đầu tư còn lo ngại thế giới không còn đủ các kho chứa cho lượng dầu cung ra. Trong khi đó, khả năng nhu cầu của thị trường có thể trở về như trước dịch COVID-19 sẽ còn rất lâu mới đạt được.

Thông thường, giá dầu giảm người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Nhưng đó là câu chuyện của nền kinh tế thông thường. COVID-19 đang khiến hầu như mọi hoạt động đều đình trệ. Đối tượng đáng nhẽ hưởng lợi từ giá dầu giảm thì nay không được lợi mấy nữa. Trong khi đó, xuất khẩu dầu vốn dĩ là chỗ bấu víu cho ngân khố của không ít quốc gia. Nay giá dầu thấp sẽ đẩy nhiều nền kinh tế rơi thêm vào suy thoái.

Báo Economic Times (Ấn Độ) cho biết, với mức cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày như thỏa thuận, lượng dầu dư thừa năm nay vẫn sẽ tăng thêm khoảng 730 triệu thùng. Đà tăng tăng này chỉ có thể giảm bớt vào giữa năm 2021, nếu có sự phục hồi đáng kể từ nguồn cung.

Các dự báo cho rằng giá dầu thời gian tới sẽ tiếp tục sụt giảm từ 5 đến 10 USD, sau khi thị trường cảm nhận được rõ thỏa thuận của OPEC+ thực ra ít ý nghĩa hơn nhiều so với những gì từng được tung hô.

Tuy nhiên, tờ Gulf Times (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho rằng, các nhà xuất khẩu dầu đừng cố tiếp tục đi tìm lời giải cho câu hỏi "Phải cắt giảm sản lượng bao nhiêu mới là đủ?". Lúc này, tốt nhất là phải làm quen với thực tế mới. Bởi nói như Cơ quan năng lượng quốc tế, sự sụt giảm nhu cầu dầu đang ở mức mà không thỏa thuận nào có thể bù đắp được. Nhu cầu dầu dự kiến sẽ rơi xuống đáy trong tháng 4 này, sụt giảm 29 triệu thùng/ngày.

Goldman Sachs: Giá dầu chưa thể hồi phục mạnh Goldman Sachs: Giá dầu chưa thể hồi phục mạnh Giá dầu tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục 21 năm Giá dầu tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục 21 năm OPEC+ đạt thỏa thuận cắt giảm, giá dầu vẫn rớt mạnh OPEC+ đạt thỏa thuận cắt giảm, giá dầu vẫn rớt mạnh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước