Trung Quốc bước vào cuộc đua máy bay thương mại

Đức Cường-Thứ bảy, ngày 08/10/2022 13:01 GMT+7

VTV.vn - Ngày 1/10 vừa qua, Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã chính thức cấp phép cho dòng máy bay C919 sau bốn năm bay thử nghiệm.

C919 được thiết kế và sản xuất bởi Tổng công ty máy bay thương mại Trung Quốc COMAC, có sải cánh xấp xỉ 36 mét, chiều dài 39 mét và chiều cao phần đuôi là 12 mét. Chiếc máy bay này có thể chuyên chở 156 đến 168 hành khách, tầm bay tiêu chuẩn là 4,075 km và tầm bay tối đa là 5,555 km.

Ông Jie Yuwen, Trưởng nhóm cấp phép cho máy bay C919, cho biết: "Máy bay C919 là loại máy bay chở khách dân dụng cỡ lớn đã được CAAC hoàn thành việc kiểm tra theo các chuẩn mực hàng không quốc tế. Để chứng nhận sự an toàn của máy bay này, chúng tôi đã thực hiện các bài kiểm tra toàn diện với hệ thống điều khiển bay, khả năng phòng chống và bảo vệ trước nguy cơ sét đánh và bức xạ cường độ cao, cùng với đó là thử nghiệm tĩnh cho toàn bộ máy bay, thử nghiệm sức chịu mỏi và mức độ thân thiện môi trường. Việc cấp chứng nhận cho thấy C919 đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng không.

Sự ra đời của dòng máy bay chở khách thương mại đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất là một bước tiến mang tính lịch sử với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Để biết thêm thông tin chúng tôi sẽ có cuộc trao đổi với phóng viên Thái Bình, thường trú Đài THVN tại Trung Quốc.

PV: Xin chào anh Thái Bình, xin anh cho biết năng lực sản xuất và thực hiện các đơn hàng của công ty COMAC với dòng máy bay C919 hiện nay ra sao?

Trung Quốc bước vào cuộc đua máy bay thương mại - Ảnh 1.

Trung Quốc sản xuất máy bay nội địa C919 để cạnh tranh với Boeing, Airbus. Ảnh: Reuters.

Phóng viên Thái Bình: Hãng China Eastern Airlines nhận chiếc C919 đầu tiên để khai thác các tuyến bay nhộn nhịp các TP lớn. 4 chiếc kế tiếp sẽ nhận vào năm 2023. Hãng này có kế hoạch mua 38 chiếc, 10,5 tỷ USD. Theo mạng Kinh doanh Trung Quốc, Comac có đơn đặt hàng 815 chiếc từ 28 khách hàng, chủ yếu là nội địa và khách hàng từ Đức, Thái Lan. Chưa rõ thực hư thế nào. Mỗi năm Trung Quốc có nhu cầu mua chừng 300 máy bay thân hẹp 1 lối đi sức chứa C919.

Một câu hỏi mà mọi người rất quan tâm là năng lực công nghệ của Trung Quốc trong sản xuất máy bay thương mại là như thế nào, và chính phủ Trung Quốc có biện pháp gì để bảo vệ lĩnh vực mới mẻ này khỏi căng thẳng thương mại thưa anh?

Phóng viên Thái Bình: Một báo cáo từ Zhongtai Securities - Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa C919 là khoảng 60%. Sản xuất máy bay là đỉnh cao của ngành sản xuất công nghiệp nên không một quốc gia nào tự mình chế tạo 1 chiếc máy bay, như Airbus, có 200 nhà cung cấp từ Trung Quốc góp phần cho quá trình sản xuất máy bay.

Gần đây, Trung Quốc đặt Airbus mua A320 Neo, 25 tỷ USD, hay hơn 50% máy bay thương mại tại Trung Quốc là của Being cho thấy Trung Quốc chưa đủ sức cũng như không mong muốn căng thẳng với Mỹ hay châu Âu bởi nếu Mỹ cấm vận, Comac không mua được động cơ hoặc hệ thống điện tử hàng không thì khó chế tạo được chiếc máy bay.

Theo chuyên gia Trương, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cạnh tranh máy bay dân dụng từ nay đến 2030 vẫn chỉ là sân chơi của Airbus và Boeing.

Lần đầu tiên máy bay made in China được cấp phép bay, theo như Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, đây là ý chí, giấc mơ của dân tộc, kỳ vọng của người dân. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc cũng thúc giục Comac tạo nhiều đột phá hơn trong công nghệ then chốt để tự chủ công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng Trung Quốc thành cường quốc chế tạo.

Theo ông Vương - Tổng biên tập Tạp chí Hàng không Trung Quốc, Comac phải cần hơn 1 năm nữa để hoàn thiện các quy trình sản xuất hàng loạt C919.Trước mắt, C919 bay quanh quẩn nội địa TQ, le lói phá thế độc quyền của 2 ông lớn Boeing, Airbus. Để ra được thị trường thế giới, Comac sẽ rất gian nan để được Mỹ và châu Âu cấp phép. Do đó, Comax đang tìm đường ra bằng cách ký thỏa thuận song phương với 27 nước để xin giấy chứng nhận bay.

Các chuyên gia nhìn nhận khả năng cạnh tranh của C919

Ngay từ năm 2019 nhiều hãng truyền thông lớn như CNBC đã bắt đầu nhắc đến COMAC như một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng với Airbus và Boeing, mặc dù COMAC chỉ mới bước chân vào thị trường, trong khi Airbus và Boeing hiện đang nắm đến 99% thị phần dòng máy bay chở khách cỡ lớn trên thế giới. Dĩ nhiên, để có thể thực sự cạnh tranh với những người khổng lồ phương Tây thì công ty Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua.

HIện theo thống kê của nhà sản xuất COMAC, đã có hơn 800 chiếc C919 được đặt hàng từ 28 đơn vị hàng không khác nhau. Giới chức Trung Quốc rất kỳ vọng đây sẽ là bước đầu để ngành chế tạo máy bay của nước này tiến tới cạnh tranh với các ông lớn Airbus và Boeing, từ thị trường trong nước và sau đó ra toàn cầu.

Ông Qi Xuefeng, Tổng Giám đốc Chương trình phát triển máy bay C919, cho biết: "Chúng tôi muốn có thêm lựa chọn cho các hãng hàng không và hành khách trên thế giới cũng như tạo ra cơ hội mới cho các đơn vị chế tạo linh kiện máy bay".

Dù vậy, ngay cả với thị trường nội địa thì chặng đường phía trước của C919 vẫn không hề dễ dàng. Hiện mới chỉ có 4 chiếc C919 của hãng China Eastern đã lên dự kiến giao vào năm sau, còn lại chưa đơn hàng nào có kế hoạch cụ thể. Tổng lượng đặt hàng dòng máy bay này cũng vẫn rất khiêm tốn, trong khi A320neo của Airbus - dòng máy bay cùng phân khúc với C919 đã nhận tới gần 300 đơn hàng chỉ riêng tại Trung Quốc cách đây 3 tháng.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra một thực tế, đó là dù được phát triển trong nước, C919 vẫn phải sử dụng rất nhiều công nghệ từ nước ngoài. Khoảng 40% nhà cung cấp linh kiện là các tên tuổi nước ngoài, và những bộ phận quan trọng hàng đầu như động cơ, phần mềm điều khiển hay hộp đen đều đến từ các đối tác châu Âu hoặc Mỹ.

Ông Richard Aboutlafia, Giám đốc điều hành hãng tư vấn AeroDynamic, nói: "Đây là một dòng máy bay chế tạo tại Trung Quốc, nhưng được vận hành nhờ vào công nghệ của phương Tây. Để có được một sản phẩm thuần nội địa, Trung Quốc có thể mất thêm tới một thập kỷ và hàng tỷ USD nữa cho việc phát triển".

Phụ thuộc nhiều vào linh kiện nước ngoài cũng sẽ khiến cho C919 nhạy cảm hơn với căng thẳng về chính trị và thương mại, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang siết chặt việc xuất khẩu công nghệ cao cho quốc gia tỷ dân. Đây có thể sẽ là một trở ngại cho việc đưa dòng máy bay này chinh phục thị trường toàn cầu trong tương lai.

Cần nhớ cách đây 2 năm khi bắt đầu nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chính phủ Mỹ đã từng gây sức ép buộc General Electric ngừng cung cấp động cơ cho C919, tuy nhiên sau đó lệnh cấm đã được dỡ bỏ và Trung Quốc thành công trong việc tung ra thị trường dòng máy bay thương mại đầu tiên này.

Rõ ràng chặng đường để Trung Quốc có chỗ đứng vững chắc trên thị trường máy bay chở khách thế giới còn dài, tuy nhiên không thể đánh giá thấp năng lực sản xuất và cạnh tranh của nước này như đã từng được thể hiện trong các ngành sản xuất thiết bị điện tử và ô tô. Thị trường hàng không nội địa Trung Quốc với quy mô lớn thứ 2 thế giới cũng là điểm tựa vững chắc để các công ty hàng không trong nước xây dựng nền tảng đầu tiên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước