Sự kiện chính tác động tới thị trường châu Á hôm nay là Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc vừa bế mạc sau hai ngày diễn ra. Kết thúc hội nghị, giới lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp kích thích hơn nữa, "để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, duy trì sự ổn định chung về việc làm và giá cả trong năm tới".
Đây được coi là những động thái cần thiết của Bắc Kinh trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực từ bên ngoài trong năm 2025, như căng thẳng thương mại gia tăng và cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ.
Giới chức Trung Quốc cũng dự kiến đặt việc thúc đẩy tiêu dùng mạnh mẽ lên làm ưu tiên hàng đầu trong năm 2025 - Ảnh: THX
Theo truyền thông Trung Quốc, các quan chức tham gia hội nghị đã nhất trí rằng, Chính phủ sẽ chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng thích hợp và áp dụng cách tiếp cận tài khóa chủ động hơn. Động thái này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với lập trường thận trọng đã được duy trì kể từ khi kinh tế Trung Quốc phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giáo sư Shi Yinghua - Trung tâm nghiên cứu kinh tế vi mô, Viện khoa học tài chính Trung Quốc cho biết: “Chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải là một cách tiếp cận chủ động hơn so với “chính sách tiền tệ thận trọng” được áp dụng trong thập kỷ qua. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng mức độ thực hiện chính sách là nới lỏng vừa phải, với mục tiêu là tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định và thúc đẩy nhu cầu, đồng thời tránh những tác động tiêu cực của việc nới lỏng định lượng quá mức, chẳng hạn như lạm phát - đã thấy ở một số nước phát triển”.
Giới chức Trung Quốc cho biết, sẽ chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao hơn, tăng phát hành trái phiếu ở cả cấp Trung ương và địa phương để kích thích tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ cắt giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc một cách kịp thời, dù chưa đưa ra thông tin cụ thể về thời điểm, cũng như mức độ cắt giảm.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB chia sẻ: “Chính phủ Trung Quốc sẽ hướng tới giải phóng thanh khoản cho các ngân hàng để thúc đẩy hoạt động cho vay. Thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng có thể đưa nhiều vốn hơn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu vay của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi dự báo trong năm tới, Trung Quốc có thể thực hiện một, hai hoặc thậm chí là ba đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc”.
Giới chức Trung Quốc cũng dự kiến đặt việc thúc đẩy tiêu dùng mạnh mẽ lên làm ưu tiên hàng đầu trong năm 2025, để tận dụng sức mạnh của thị trường nội địa, trong bối cảnh động lực chính của nền kinh tế là xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi những áp lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, Hội nghị vẫn chưa đưa ra những hành động chính sách cụ thể và nhiều chuyên gia tin rằng, các giải pháp sẽ thiên về việc tăng chi tiêu công, hơn là trực tiếp phát tiền cho người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!