Trung Quốc cần nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn

VTV Digital-Thứ năm, ngày 26/09/2024 09:08 GMT+7

VTV.vn - Thống đốc PBOC tiết lộ đang xem xét có thể hạ lãi suất LPR thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, động thái cắt dù sớm muộn cũng xảy ra, nhưng tác động sẽ không lớn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm nay đã hạ lãi suất các khoản vay trung hạn cho các ngân hàng thương mại. Động thái này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu.

PBOC cho biết đã giảm lãi suất từ 2,3% xuống 2% đối với các khoản vay trung hạn kỳ hạn một năm. Chuỗi cắt giảm lãi suất này phản ánh sự nỗ lực ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc nhằm vực dậy sức khỏe nền kinh tế.

Tại Trung Quốc có 2 nhóm lãi suất quan trọng là Lãi suất Chính sách và Lãi suất Thị trường. Lãi suất Repo đảo ngược 7 ngày và Lãi suất trung dài hạn (MLF) đều đã liên tục được chiều chỉnh hạ 2 ngày qua. Đối tượng chịu ảnh hưởng của Lãi suất Chính sách là các Tổ chức tài chính. Với nhóm Lãi suất thị trường, gồm có Lãi suất cho vay cơ bản LPR 1 năm và 5 năm, đối tượng chịu ảnh hưởng là các cá nhân, doanh nghiệp trên thị trường.

Ngày 24/9 trong họp báo, Thống đốc PBOC tiết lộ đang xem xét có thể hạ lãi suất LPR thời gian tới. Song các chuyên gia cho rằng, động thái cắt dù sớm muộn cũng xảy ra, nhưng tác động sẽ không lớn.

Ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho hay: "Tháng 7, Trung Quốc cũng cắt LPR rồi. Tác động không lớn, tín dụng tháng 8 giảm so với tháng 7. Lãi suất thấp không phải là điều kiện để đẩy tín dụng ra. Niềm tin người dân, doanh nghiệp đang có vấn đề".

Hiện Morgan Stanley, Nomura đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc cần tung 1 gói kích thích tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Bởi nhiều vốn bơm ra cũng không hấp thụ hết.

"Để hồi phục niềm tin, cần 1 gói chính sách kích thích trực tiếp vào túi tiền của người dân, hay là chính sách tài khoá. Ví dụ tăng tiền cho người nghỉ hưu, hỗ trợ gia đình nghèo giúp gia tăng chi tiêu trong nền kinh tế", ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho hay.

Quy mô 1 gói kích thích tài khóa như vậy theo ước tính rơi vào khoảng 300-500 tỷ USD. Gói kích thích kinh tế mà Trung Quốc công bố từ ngày 24 đến nay là gói kích thích lớn nhất kể từ sau đại dịch COVID-19. Các nhà phân tích cho rằng sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của việc bơm lượng lớn vốn ra thị trường. Nhu cầu tín dụng ở Trung Quốc vẫn còn hạn chế trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên từ 18-24 tuổi đã tăng vọt lên mức gần 19% trong tháng 8. Bên cạnh đó nhiều khách hàng cũng trì hoãn kế hoạch vay tiền mua nhà trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước