Vừa qua, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc - cơ quan phụ trách kế hoạch hóa kinh tế Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra thông báo, Chính phủ nước này đang xem xét và kiểm soát các dự án đầu tư ở nước ngoài trong thời gian tới.
Ngay sau đó, nhiều tờ báo tài chính lớn của quốc tế đồng loạt đăng tải cho biết, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ áp dụng một số biện pháp mạnh tay nhằm phanh lại cơn sốt mua sắm ở nước ngoài của các doanh nghiệp, trong bối cảnh đang có những lo ngại về chảy máu tài chính cũng như đầu tư thiếu thận trọng.
Theo nguồn tin rò rỉ, Chính phủ Trung Quốc sẽ quyết định ngăn cấm đa số những dự án trên 10 tỷ USD và kiểm soát chặt chẽ những dự án trên 1 tỷ USD không đúng theo chuyên môn của doanh nghiệp xin đầu tư. Thậm chí, ngay cả những luồng vốn trên 5 triệu USD, tiền Nhân dân tệ hay ngoại tệ, cũng đều phải qua kiểm soát. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực cho đến hết tháng 9/2017, trừ những "dự án chiến lược".
Ngay lập tức, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi về những biện pháp mới chống "chảy máu" tài chính này, dường như sẽ đi ngược lại chính sách của Bắc Kinh trong việc hối thúc doanh nghiệp phát triển hoạt động ở nước ngoài để mở rộng thị phần cho Trung Quốc. Hiện làn sóng M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc đã lan tới 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng giá trị các thương vụ đạt con số kỷ lục là 290 tỷ USD. Tuy nhiên, chính việc đầu tư ồ ạt này lại là con dao hai lưỡi.
Việc đồng Nhân dân tệ liên tục biến động, có lúc giảm xuống mức thấp nhất 8 năm, khiến cho vấn đề cung cấp thanh khoản thị trường nhằm hạn chế rủi ro tài chính, thúc đẩy tăng trưởng trở nên gặp nhiều khó khăn. Do vậy, kiểm soát dòng vốn ra bên ngoài là một sự lựa chọn đáng để cân nhắc hiện nay.
Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng, những biện pháp trên còn nhằm chống tệ nạn "tẩu tán tiền bạc ngụy trang dưới dạng đầu tư" trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Cuối cùng, kiểm soát vốn tạm thời sẽ làm giảm nợ của Trung Quốc trong ngắn hạn, hiện đã lên tới 250% GDP. Làn sóng M&A này trên thực tế được thực hiện bằng tiền vay từ sự dễ dãi của các ngân hàng. Tóm lại là các công ty sẽ buộc phải tính toán kỹ lưỡng hơn trong các dự án đầu tư của mình ở nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!