Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, GDP quý I/2023 của nước này tăng 4,5%. Con số này vượt mọi dự báo từ 3,8 - 4% được các giới chuyên gia đưa ra trước đó. Đây là số liệu tăng trưởng rất quan trọng kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng chống đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2022.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc đang "vượt gió ngược" với số liệu GDP quý I mới công bố, trong khi các quốc gia khác trên toàn cầu đối mặt với tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Theo các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức tín nhiệm lớn như Fitch và SPGlobal, Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2023.
Đà hồi phục của nền kinh tế thứ 2 thế giới đang diễn ra trên diện rộng, từ bán lẻ, công nghiệp, cho đến xuất khẩu… vượt xa ước tính của giới quan sát.
Theo dữ liệu vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, trong tháng 3, xuất khẩu của nước này đã phục hồi ấn tượng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, đảo ngược mức giảm 6,8% ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay và chấm dứt chuỗi giảm kéo dài gần nửa năm.
"Kết quả này phản ánh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy quá trình mở cửa nhanh hơn cho thị trường trong nước. Chuỗi cung ứng đã vào guồng quay trở lại", ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng thế giới, nhấn mạnh.
Trung Quốc đang "vượt gió ngược" với số liệu GDP quý I mới công bố. (Ảnh minh họa - Ảnh: The Star)
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. Theo ông, nước này có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay nhờ sự vực dậy của thị trường bất động sản.
64/70 thành phố thuộc Trung Quốc đã ghi nhận giá nhà mới trong tháng 3 tăng trung bình 0,5% so với tháng trước. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong 21 tháng.
Khảo sát mới nhất đầu tháng 4 này của PBOC cho thấy, 17,5% số người được hỏi có kế hoạch mua nhà trong 3 tháng tới, tăng từ 16% trong cuộc khảo sát hàng quý trước đó.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu chỉ ra quá trình phục hồi của nước này không đồng đều. Lạm phát thấp nhất trong 18 tháng qua của Trung Quốc cho thấy nhu cầu tại đất nước tỷ dân vẫn yếu. Cụ thể, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, giảm từ mức tăng 1% của tháng 2.
"Sau khi gỡ bỏ tất cả hạn chế phòng dịch COVID-19, người dân có thể thoải mái đi lại và tận hưởng cuộc sống trở lại. Sự phục hồi là có thật, nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu. Phần lớn là do niềm tin của người tiêu dùng chưa đủ mạnh", ông Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, S&P Global Ratings, đánh giá.
Theo một cuộc thăm dò của S&P Global, các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho cả năm 2023 ở mức gần 5%, gần như phù hợp với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu năm 2022 tăng trưởng vẫn còn rất yếu, thì năm nay Trung Quốc có nhiều dư địa để tăng trưởng.
"Tăng trưởng 5% có thể là một con số tham vọng tại Mỹ, châu Âu, nhưng với Trung Quốc thì không. Nếu nhìn vào xu hướng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong quá khứ thì 5% là mục tiêu tăng trưởng bình thường, và bền vững. Bên cạnh thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, Trung Quốc cần cung cố niềm tin của khu vực tư nhân rằng các doanh nghiệp có thể đầu tư vào Trung Quốc và chính phủ sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các công ty tư nhân, doanh nghiệp nhà nước", ông Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, S&P Global Ratings, nhận định.
Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo rằng các xu hướng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của Trung Quốc bao gồm: căng thẳng địa chính trị với Mỹ, nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn và lạm phát cao trên toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!