Là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, nhưng mới đây, Bộ Công nghiệp Trung Quốc đã đưa ra chỉ đạo toàn bộ các khu vực trên cả nước phải tạm dừng chương trình tăng sản lượng thép từ thứ sáu tuần vừa rồi. Nguyên nhân là vì những vấn đề của ngành bất động sản.
Theo chuyên trang Bloomberg, ngành sản xuất thép của Trung Quốc đang đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng chậm, thậm chí tình hình có thể còn trì trệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu là vì nhu cầu đối với thép sản xuất trong nước đang ở mức thấp, trong khi nguồn cung thì vẫn dồi dào. Tình trạng này được cho là hệ quả của ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Grant Sporre - Chuyên gia tài chính Bloomberg cho biết: "Ngành bất động sản là động lực tăng trưởng chính của cả ngành thép Trung Quốc. Nếu không có nhà mới được xây nên thì nhu cầu với thép cũng giảm đi. Bên cạnh đó, khi các chính quyền địa phương không bán được đất đai, thì họ cũng không có nguồn vốn để tái đầu tư vào các dự án hạ tầng và điều đó cũng lại ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắt thép".
Thông báo mới của Bộ Công thương Trung Quốc cho biết, những doanh nghiệp nào không tuân thủ sẽ bị coi là tăng sản lượng bất hợp pháp. Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thép của Trung Quốc là 613,72 triệu tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2023, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Các chuyên gia đầu ngành cho rằng, việc kìm hãm sản lượng để cân đối cung - cầu sẽ còn kéo dài ít nhất là sang tháng tới.
Bà Alyssa Ren - Chuyên gia tại Mysteel cho hay: "Dù một số ý kiến kỳ vọng rằng nhu cầu thép sẽ hồi phục trong tháng 9 và tháng 10 nhưng dữ liệu kinh tế mới cho thấy lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng chậm lại và cơ sở hạ tầng mới trong nước cũng trì trệ cùng lĩnh vực bất động sản".
Một loạt các nhà sản xuất thép Trung Quốc đệ đơn phá sản trong những tuần gần đây, bao gồm: Dongling Group có trụ sở tại Thiểm Tây, Haihe Steel tại Phúc Kiến và một doanh nghiệp nữa ở Hà Bắc. Giám đốc điều hành của một số công ty thép lớn nhất Trung Quốc đã cảnh báo những thử thách lớn nhất vẫn ở phía trước và các công ty trong ngành phải chuẩn bị ứng phó tình trạng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!