Nền kinh tế lớn thế 2 thế giới bước vào năm 2019 với vô vàn khó khăn, sau khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 chỉ đạt 6,6%, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ. Do vậy, việc tung ra những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nhằm đối phó với đà suy giảm được Chính phủ Trung Quốc xác định là công việc trọng tâm kể từ đầu năm.
Ngày 5/1/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) mạnh tay tăng cường thanh khoản, khi tuyên bố hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong toàn ngân hệ thống ngân hàng. Điều đó có nghĩa giải phóng lượng tiền lên tới 117 tỷ USD.
Chưa đầy 2 tuần sau đó, PBoC bơm ròng 83 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng. Đánh dấu cú bơm vốn kỷ lục trong 1 ngày.
Ngày 5/3/2019, trong Báo cáo kinh tế thường niên được Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, người đứng đầu chính phủ nước này tuyên bố Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế và phí lên tới 300 tỷ USD, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Hàng loạt biện pháp mạnh tay được cho đã có tác dụng khi xuất khẩu tháng 3 của Trung Quốc bất ngờ bật tăng 14,2%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng. Trước đó, xuất khẩu tháng 2 của nước này giảm sâu tới 20,8%.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất công bố ngày 16/4 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vẫn cảnh báo, các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2019 - 2020, nhưng có thể làm suy yếu nỗ lực kiểm soát nợ của Bắc Kinh và khiến cho tình trạng méo mó về cấu trúc kinh tế trở nên tồi tệ hơn trong trung hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!