Bình luận về khả năng này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Dwight Nordstrom, chuyên gia quản trị nhân lực của hãng tư vấn quản lý Pacific Resources International.
Theo một số nhận xét, Trung Quốc đã hết thời của lao động giá rẻ, đồng nghĩa ngôi vị “công xưởng” thế giới của nước này đang bị đe dọa. Ông đồng ý với nhận định đó không?
Ông Dwight Nordstrom: Đúng như nhiều người nhận xét, lao động Trung Quốc không còn rẻ như nó đã từng rẻ trước đây, tính trên diện rộng, giá lao động Trung Quốc tăng trung bình 20%/ năm trong suốt 4 năm qua. Theo một số liệu mới đây thì tiền lương ở lưu vực sông Châu Giang đã tăng tới 10% trong năm nay, riêng lương trả cho lao động của Foxconn, hãng gia công thiết bị cho Apple ở Thâm Quyến đã tăng từ 16-25% trong tháng trước.
Có vẻ như mệnh đề lao động Trung Quốc rẻ đã không còn phù hợp, vậy liệu nhà máy của các hãng lớn trên thế giới có chuyển sang các nước có giá nhân công rẻ hơn?
Ông Dwight Nordstrom: Người ta thường nói vậy, nhưng tôi nghĩ nhận định đó hoàn toàn sai lầm.
Những lý do nào khiến ông nghĩ luận điểm đó là sai lầm. Tôi cho là giá nhân công cao sẽ khiến Trung Quốc đánh rơi lợi thế cạnh tranh truyền thống?
Ông Dwight Nordstrom: Đúng là ở các nước gần Trung Quốc, giá lao động có thể rẻ hơn đến 30%, thế nhưng để mà nói Trung Quốc có thể truất ngôi vị “công xưởng” của thế giới thì quá cảm tính.
Thứ nhất, các tỉnh duyên hải Trung Quốc có rất nhiều thế mạnh, bất chấp chi phí tăng. Chúng có sẵn một thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc rộng lớn. Xin nhấn mạnh luôn, đây là một lợi thế lớn mà không phải nước nào cũng có.
Thứ hai, lương người Trung Quốc tăng nhanh, nhưng năng suất cũng tăng nhanh tương ứng.
Thứ ba, thị trường lao động Trung Quốc rất lớn và cũng đủ linh hoạt để đảm nhận những ngành hàng mang tính thời vụ, ví dụ đồ chơi và trang trí Giáng sinh. Một ví dụ gần nhất là khi nhu cầu iPhone 5 trên thế giới tăng đột biến, nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đủ khả năng bổ sung 8.000 lao động trong một đêm. Chính xác là trong một đêm, không cần qua ngày thứ hai.
Và lý do lớn nữa là chuỗi nguồn cung của Trung Quốc rất tinh vi và dồi dào. Quan điểm của tôi là khi đo sức cạnh tranh của một nền kinh tế, ngoài chi phí nhân công, thì tổng thể các yếu tố đầu vào còn quan trọng hơn.
Hiện chi phí lao động chiếm khoảng 1/4 tổng giá thành của một sản phẩm Made in China. 3/4 còn lại của các giá trị đầu vào của Trung Quốc so ra vẫn có lợi thế với các nước cạnh tranh, cả về độ ổn định lẫn khả năng đáp ứng.
Vì những lý do đó, tôi cho là khả năng các nước khác soán ngôi “công xưởng” thế giới của Trung Quốc sẽ còn ở một tương lai rất xa.
Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi.!