Trung Quốc mở cửa biên giới: Cơ hội song hành thách thức

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 07/01/2023 13:21 GMT+7

VTV.vn - Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu, nhưng cũng đặt các DN trong chuỗi cung ứng của Việt Nam vào thách thức cạnh tranh hơn.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 đạt kỷ lục 732 tỷ USD, tăng tới 10% so với năm 2021. Đây là một điểm sáng ấn tượng của kinh tế năm vừa qua giữa bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt hơn, Việt Nam có mức xuất siêu vượt 11 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thực sự là một điểm nhấn khi giá trị xuất siêu chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất siêu của cả nước.

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, thủy sản chính thức gia nhập "câu lạc bộ" xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Hầu hết xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... đều tăng trưởng hai con số trở lên.

Đáng nói, năm 2022, Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam với 177,7 tỷ USD. Như vậy, xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ mở lại toàn bộ các cửa khẩu đường bộ sau thời gian dài phong tỏa chống dịch COVID-19. Theo các chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam có cơ hội lớn. Việc thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam mở cửa sẽ là tín hiệu đáng mừng.

Doanh nghiệp theo dõi sát thông tin Trung Quốc mở cửa thị trường

Bùng nổ cũng là cách các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước dùng để nói về sự chờ đợi từ đơn hàng từ thị trường này. Nhiều nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước và dự kiến các hoạt động kinh tế sẽ thực sự sôi động từ quý II/2023. Đứng đầu là các doanh nghiệp ngành hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, gạo.

Trung Quốc mở cửa biên giới: Cơ hội song hành thách thức - Ảnh 1.

Thủy sản được xem là ngành có lợi lớn khi Trung Quốc mở cửa thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này vào năm 2023. Do đó, các doanh nghiệp đang theo rất sát thông tin mở cửa cửa của Trung Quốc để cửa thị trường để có các chiến lược đưa hàng hóa vào thị trường này.

Thủy sản được xem là ngành có lợi lớn khi Trung Quốc mở cửa thị trường. Nhận định này được đưa ra từ thực tế việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong suốt 2 năm chịu tác động vì dịch bệnh và chính sách thắt chặt kiểm dịch. Chính vì vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khi việc đi lại tại nước này cũng được nới lỏng. Dự báo, kim ngạch sẽ còn tăng trong năm sau.

"Chúng tôi đã đặt hàng một số chuyên gia họ sẽ vào Trung Quốc vào thời điểm đó để có đánh giá và dự báo cho thị trường này. Chúng tôi hy vọng năm nay, thị trường này đạt 1,6 tỷ USD thì năm sau có thể cao hơn", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết.

Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, Trung Quốc cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. Vì vậy, thông tin mở cửa thị trường còn được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các nút thắt về giá cung ứng nguyên vật liệu trong chuỗi sản xuất, nhất là linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.

"COVID-19 đã gây căng thẳng đến giá nguyên vật liệu vì những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Dù sao Trung Quốc vẫn là nơi cung ứng nguyên vật liệu cho nhiều nhà máy trên thế giới, đáp ứng được tiêu chí số lượng, chất lượng và giá cả. Khi giá nguyên liệu tốt hơn, giá thành cũng cạnh tranh hơn", ông Yutaka Watanabe, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Towa Việt Nam, cho hay.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có đối tác tại Trung Quốc cho biết, do chưa nhận được văn bản chính thức từ các đối tác về việc mở cửa thị trường, vì vậy động thái hiện nay vẫn chờ đợi.

"Đối với những doanh nghiệp đang làm thị trường Trung Quốc thì họ theo dõi rất sát sao. Kể cả vừa qua có quy định mới về nhãn hàng, chất lượng, kỹ thuật của hàng hóa, doanh nghiệp đều phải cập nhật, theo kịp quy định của Trung Quốc", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thông tin.

Theo dự báo từ VNDirect, Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, dệt may và cao su. Đặc biệt, những doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu và thị phần lớn ở thị trường này sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn.

Khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Vì vậy, Trung Quốc là điểm đến tiềm năng nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2023. Hiện Việt Nam nhập khẩu hơn 30% nguyên vật liệu đầu vào sản xuất từ Trung Quốc chủ yếu máy móc, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

Trong thời kỳ Trung Quốc đóng cửa, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên, vật liệu, chi phí đầu vào tăng mạnh, hàng hóa tắc nghẽn. Cùng với đó, việc giá cước vận tải hạ nhiệt hơn 50% so với hồi đầu năm 2022, hàng hóa lưu thông trở lại, thời gian nhập khẩu nguyên liệu không bị chậm trễ sẽ giúp cải thiện hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp. Như vậy, các nút thắt về cung ứng nguyên vật liệu trong chuỗi sản xuất, nhất là linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may, điện tử ô tô được tháo gỡ.

Thách thức cạnh tranh chuỗi cung ứng khi Trung Quốc mở cửa

Sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc, bên cạnh giúp các doanh nghiệp mua hàng dễ hơn, chiều ngược lại, nó cũng đặt các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam vào thách thức cạnh tranh mạnh hơn trong thời gian tới.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, máy tính, linh kiện, máy móc, phụ tùng là những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường này. Vì vậy, thách thức cũng sẽ là không nhỏ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam để hiện thực mục tiêu nội địa hóa 65 - 70% trong các năm tới. Ngoài ra còn là những thách thức khác khi Việt Nam đang phải nhập khẩu đầu vào quá nhiều.

Những sự thay đổi và dịch chuyển trong chuỗi cung ứng sau dịch COVID-19 đã khiến Công ty Công nghiệp Towa Việt Nam xây dựng kế hoạch có thể tăng mua hàng nội địa. Tuy nhiên, việc này lại gặp trở ngại khi khả năng đáp ứng của doanh nghiệp nội cả về chất lượng và số lượng còn hạn chế.

"Khi làm việc với các nhà cung ứng Việt Nam, ví dụ khi được hỏi, họ có thể đáp ứng được 100 chiếc nhưng chúng tôi lại muốn khoảng gấp 100 lần, họ sẽ không đủ thiết bị để đáp ứng", ông Yutaka Watanabe, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Towa Việt Nam, cho biết.

Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam được nhận định là hưởng lợi khi chuỗi cung ứng toàn cầu có xu hướng dịch chuyển, nhưng làm sao để giá thành sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn để tham gia vào các doanh nghiệp đầu cuối là không đơn giản. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì lợi thế về giá thành bởi quy mô sản xuất số lượng lớn.

Trung Quốc mở cửa biên giới: Cơ hội song hành thách thức - Ảnh 2.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Trong khi mọi thứ đều tăng giá, người mua hàng không tăng và thậm chí sau thời gian dài ổn định sản xuất, mình tính toán lại để giảm giá để họ tăng tính cạnh tranh của sản phẩm đầu cuối của họ. Đó là một bài toán liên đới, đòi hỏi doanh nghiệp phải mạnh mẽ trong đầu tư cải tiến hệ thống và công nghệ. Tính liên kết của các doanh nghiệp Việt cần mạnh mẽ hơn", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TP Hồ Chí Minh, nhận định.

"Nhiều nguyên, phụ liệu, vật liệu và các linh kiện chúng tôi nhập từ Trung Quốc lên đến 50%, một số ngành lên đến 70%. Một số doanh nghiệp trong nước và FDI cố gắng tìm hiểu độ lớn thị trường để đầu tư", ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty Thép Việt, cho hay.

Năm 2022, Việt Nam nhập từ Trung Quốc nhiều nhất là các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc với giá trị hơn 20 tỷ USD, dự báo con số này sẽ còn tăng lên khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau dịch. Vì vậy, thách thức cũng sẽ là không nhỏ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam để hiện thực mục tiêu nội địa hóa 60 - 70% trong các năm tới.

Lạng Sơn sẵn sàng cho hoạt động xuất nhập cảnh từ ngày 8/1

Thách thức là có những cơ hội vẫn lớn hơn. Khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất lớn, không chỉ tác động nhiều đến năng lực sản xuất kinh doanh, mà còn cải thiện khả năng thực hiện của các doanh nghiệp sản xuất.

Theo đó, để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị kỹ từ nhân sự, nguồn lực, đối tác. Bên cạnh đó còn là sự kịp thời từ các chính sách và sự sẵn sàng của các địa phương.

Tới thời điểm này, các cơ quan, lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã chủ động triển khai các mặt công tác để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đi lại để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch… giữa tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trong thời gian tới.

Trong những ngày qua, lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đạt 900 lượt xe/ngày, có ngày lên đến 1.100 lượt xe/ngày. Hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu đều được thông quan hết trong ngày. Dự báo lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ tăng lên sau ngày 8/1.

Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác thông tin, khuyến cáo về tình hình xuất nhập khẩu tại cửa khẩu tới các doanh nghiệp; các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã đẩy mạnh công tác quản lý xuất nhập cảnh, điều tiết, phân luồng phương tiện chở hàng hóa trong những ngày tới.

Sự chủ động của tỉnh Lạng Sơn trước việc điều chỉnh chính sách phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc từ ngày 8/1 sẽ góp phần tích cực vào việc đảm bảo hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận lợi nhất trong tình hình mới.

Mốc 8/1 được xem là sự kiện quan trọng không chỉ Việt Nam mà với kinh tế thế giới, bởi Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu.

Đối với hàng hóa thông quan nhập khẩu vào Trung Quốc, từ ngày 8/1, nước này gỡ bỏ quy định kiểm tra COVID-19 đối với hàng hóa, kể cả hàng đông lạnh tại các cửa khẩu trên bộ, cảng biển cũng như tạo điều kiện đi lại giúp cho hàng hóa thông quan nhanh hơn, giảm đáng kể chi phí vận chuyển.

Đối với vấn thị thực và du lịch, hoạt động xin visa cho mục đích kinh doanh, học tập, đoàn tụ gia đình và du lịch nước ngoài của công dân Trung Quốc sẽ nối lại từ ngày 8/1. Nước này cũng bỏ các giới hạn về số chuyến bay quốc tế, nhưng hành khách vẫn phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay.

Bên cạnh đó, du khách tới Trung Quốc chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ trước đó tại hải quan và không cần nộp đơn xin mã y tế cho các đại sứ quán Trung Quốc trước khi khởi hành. Nước này cũng chính thức bỏ cách ly tập trung.

Rõ ràng 3 năm quen với cảnh kiểm soát dịch nghiêm ngặt trong đi lại, có bệnh thì cách ly, phong tỏa. Giờ đây, Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, sản xuất kinh doanh bình thường. Đây là tin vui với chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, việc hạ cấp quản lý dịch tại đại lục cũng kéo theo sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng trong khoảng 2 tháng qua. Điều này sẽ tác động như thế nào tới sản xuất và liệu mở cửa từ ngày 8/1 sẽ có sự bùng nổ việc người Trung Quốc đi "du lịch trả thù" không?

Giai đoạn hiện nay được các chuyên gia dịch tễ học tại Trung Quốc đánh giá là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến chống COVID-19. Câu chào phổ biến khi gặp nhau hiện nay là yang-guo-ma (đã dương tính chưa), nghĩa là bệnh khá phổ biến. Tình trạng số ca mắc mới tăng nhanh đã và đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của Trung Quốc.

Số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại các nhà máy đã sụt giảm mạnh nhất 3 năm, giảm liên tiếp 3 tháng trở lại đây. Theo các chuyên gia phân tích, tình trạng lây nhiễm COVID-19 có thể gây ra vấn đề thiếu lao động tạm thời, đồng thời ảnh hưởng một phần tới chuỗi cung ứng.

Làn sóng lây nhiễm hiện nay tác động ra sao tới kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn?

Xu thế lúc đầu, các nước đón nhận thông tin Trung Quốc mở cửa rất hưng phấn, nhưng dần dần chuyển sang thận trọng trước làn sóng dịch bệnh bùng phát.

Capital Economics dự báo quý I, nền kinh tế Trung Quốc giảm 0,8% và phục hồi từ quý II. Còn HSBC dự báo giảm 0,5% trong quý I, nhưng cả năm 2023 GDP Trung Quốc tăng 5%.

Tâm lý đón nhận COVID-19 thoải mái nên người dân ra ngoài ăn uống đi chơi đông nghẹt. Tuy nhiên nhiều nơi thiếu nhân viên phục vụ hay các nhà hàng quán ăn đóng cửa vì dịch, mở lại không kịp nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự phục hồi trong ngắn hạn.

Ba ngày Tết dương lịch, thị trường du lịch nội địa ghi nhận 52,7 triệu lượt chuyến đi, bằng 43% so với cùng kỳ năm 2019. Từ 8/1 khi mở cửa, du lịch quốc tế sẽ phục hồi, nhưng từ từ.

Chuyên gia nhận định thị trường hàng không quốc tế phải đến mùa hè năm 2023 mới phục hồi 50% so với trước dịch. Trước mắt giao thương Trung Quốc đại lục với Hong Kong, Ma Cao (Trung Quốc) sẽ sôi động.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc dự báo, kỳ Xuân vận về quê đón Tết bắt đầu từ 7/1 kéo dài đến 15/2 sẽ có hơn 2 tỷ lượt chuyến đi, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2022, bằng hơn 70% so với thời điểm trước dịch 2019.

Dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2023

Đến đầu tháng 3, kỳ họp Quốc hội Trung Quốc mới diễn ra, đề ra những chỉ tiêu cụ thể kinh tế - xã hội. Kim chỉ nam cho sự phát triển năm 2023 là đưa nền kinh tế Trung Quốc vào quỹ đạo tăng trưởng bình thường.

Trong đó ưu tiên kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa, thúc đẩy tăng trưởng các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế số làm động lực chính cho tăng trưởng.

Các báo Trung Quốc dẫn chứng kênh CNBC cho rằng Standard Chartered, Goldman Sachs kỳ vọng năm 2023 GDP Trung Quốc tăng 4,5%. IMF dự báo 4,4%.

Các nhận định lạc quan về sự phục hồi tiêu dùng, du lịch, giải trí bùng nổ sau khi Trung Quốc thông thương quốc tế. Các định chế tài chính uy tín này cũng cho rằng, việc mở cửa trở lại cũng sẽ là động lực chính đẩy giá tài sản lên cao, giá cổ phiếu sẽ tăng cao.

Ngân hàng Morgan Stanley dự báo chỉ số chứng khoán MSCI của Trung Quốc sẽ tăng 14% năm 2023. Các dự báo lạc quan khác còn cho rằng năm 2023, GDP nền kinh tế số 2 thế giới tăng trên 5%.

Thế giới chưa vội đón du khách Trung Quốc

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, khách du lịch Trung Quốc là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm 1/5 chi tiêu du lịch toàn cầu năm 2019 - thời điểm trước đại dịch. Con số này bằng cả thị trường khách du lịch của Mỹ và Đức cộng lại. Do vậy, việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại là điều ngành công nghiệp không khói toàn cầu rất chờ đợi. Tuy nhiên trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, thế giới se chưa thể ngay lập tức ồ ạt đón du khách Trung Quốc.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, bắt đầu từ ngày 30/12/2022, Nhật Bản yêu cầu khách đến từ Trung Quốc đại lục xét nghiệm tại sân bay, nếu dương tính sẽ phải cách ly trong 7 ngày.

Hàn Quốc cũng yêu cầu khách du lịch từ Trung Quốc cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trước khi lên máy bay.

Trung Quốc mở cửa biên giới: Cơ hội song hành thách thức - Ảnh 3.

Sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: VCG)

Nhiều quy định mới liên quan đến phòng dịch cũng được Ấn Độ, Malaysia, Australia thực hiện với khách từ Trung Quốc.

Tại Bắc Mỹ, từ ngày 28/12 năm ngoái Mỹ yêu cầu mọi hành khách đến từ đại lục, Hong Kong (Trung Quốc) và Ma Cao (Trung Quốc) đi máy bay từ 2 tuổi trở lên phải có kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện không quá 48 tiếng trước khi khởi hành. Biện pháp tương tự cũng được Canada thực hiện từ ngày 5/1.

Tại Trung Đông, Israel và Qatar yêu cầu phải có kết quả PCR trước khi bay từ Trung Quốc trong khoảng 48 - 72 tiếng. Thậm chí Maroc - quốc gia ở châu Phi, còn tạm thời ngừng tiếp nhận khách Trung Quốc.

Còn tại châu Âu, một loạt quốc gia như Italy, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển cũng đã yêu cầu khách từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi nhập cảnh.

"Chúng ta phải rất cẩn trọng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc. Các quốc gia EU cần hợp tác chặt chẽ với nhau cũng như với WHO để nắm được tình hình diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc ngay lúc này", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh.

Tuy nhiên ở cấp độ toàn liên minh, những biện pháp phòng dịch này lại không nhận được sự thống nhất chung lo ngại về khả năng Bắc Kinh có các biện pháp tương tự.

Ở chiều ngược lại, phía Trung Quốc cho rằng những quy định hạn chế khách đến từ Trung Quốc nhập cảnh như trên là không cần thiết.

"Chúng tôi sẵn sàng giao tiếp với thế giới và cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19, nhưng chúng tôi cũng cho rằng những hạn chế nhập cảnh mà một số quốc gia chỉ áp đặt với Trung Quốc là thiếu cơ sở khoa học. Một số điều luật đơn giản là không thể chấp nhận được", bà Mao Ninh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhận định.

Thông tin từ Thời báo Hoàn cầu cũng cho biết, dù quốc gia này đã ngừng công bố số ca mắc COVID-19 hàng ngày, nhưng các nhà khoa học không dừng theo dõi sự lây lan của các biến thể virus tại Trung Quốc và không để xảy ra tình trạng xuất hiện biến thể mới mà không được báo cáo.

Có thể thấy, việc mở cửa trở lại từ ngày 8/1 tại Trung Quốc sẽ chưa thể có những tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế nước này ngay trong quý I/2023. Tuy nhiên đây cũng sẽ là khoảng thời gian chạy đà đủ tốt để các doanh nghiệp du lịch khu vực, trong đó có Việt Nam và thế giới có thể chuẩn bị chu đáo cho sự trở lại của khách Trung Quốc từ quý tiếp theo.

Trung Quốc mở cửa từ 8/1: Du lịch đón bắt cơ hội phát triển Trung Quốc mở cửa từ 8/1: Du lịch đón bắt cơ hội phát triển

VTV.vn - Từ 8/1/2023, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới. Cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam sắp mở ra, bởi thị trường Trung Quốc chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế tới Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước