Trung Quốc mở thị trường giao dịch hạn ngạch khí thải

Thanh Hiệp-Thứ tư, ngày 27/01/2021 06:11 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc sẽ chính thức ra mắt thị trường buôn bán hạn ngạch khí thải carbon từ ngày 1/2.

Cuối năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi tuyên bố nước này sẽ bắt đầu giảm lượng khí thải gây ô nhiễm trước năm 2030, để đạt được mức độ trung hoà carbon vào năm 2060, nghĩa là hấp thụ lượng carbon bằng với lượng thải ra.

Đây được coi là một mục tiêu đầy tham vọng, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện cũng là một trong những quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất, khi đã thải ra gần 14 tỷ tấn CO2 vào năm 2019, chiếm 29% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều biện pháp nhằm giảm cường độ phát thải carbon đang được giới chức Trung Quốc triển khai, trong đó bao gồm việc sẽ chính thức ra mắt thị trường buôn bán hạn ngạch khí thải carbon từ ngày 1/2.

Bộ Môi trường Trung Quốc đã công bố quy định cho phép các tỉnh thiết lập hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các nhà máy nhiệt điện. Hơn 2.000 nhà máy điện, với lượng khí thải nhà kính 26.000 tấn mỗi năm sẽ có thể bắt đầu giao dịch hạn ngạch này từ đầu tháng 2.

"Có hai lý do khiến chúng tôi lựa chọn các nhà máy điện để triển khai việc mua bán hạn ngạch khí thải carbon: Một là lĩnh vực này chiếm tỷ trọng phát thải cao nên có ảnh hưởng tương đối lớn; Hai là lĩnh vực này có cơ sở dữ liệu tốt", ông Li Gao - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc nói.

Trung Quốc mở thị trường giao dịch hạn ngạch khí thải - Ảnh 1.

Trung Quốc sẽ chính thức ra mắt thị trường buôn bán hạn ngạch khí thải carbon từ ngày 1/2.

Các hoạt động của thị trường sẽ dựa trên những mô hình thí điểm đã được triển khai tại Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua, bao gồm cả khu vực quanh thủ đô Bắc Kinh. Theo giới chức Trung Quốc, mục tiêu của hệ thống là giảm lượng khí thải gây ô nhiễm thông qua việc tăng dần giá khí CO2.

Ông Li Gao cho biết: "Trong 2 nhà máy điện, cơ sở nào có hiệu suất sản xuất cao sẽ được cấp thêm tín chỉ phát thải carbon, doanh nghiệp còn lại sẽ được cấp ít hơn và buộc phải đầu tư thêm tiền vào chuyển đổi công nghệ, hoặc mua thêm hạn ngạch trên thị trường. Về lâu dài, họ sẽ thấy cải tiến công nghệ và hiệu quả sản xuất sẽ là lựa chọn tốt hơn".

Hiện tại, 60% các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc vẫn chủ yếu chạy bằng than, một trong những nguồn năng lượng gây nhiều ô nhiễm. Do đó, việc các nhà máy tham gia giao dịch hạn ngạch khí thải carbon ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia về môi trường.

Ông Ma Yong - Phó Tổng thư ký Quỹ Phát triển xanh và bảo tồn đa dạng sinh học Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc là một trong những quốc gia thải ra lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới. Trung Quốc sẽ tạo ra một hình mẫu về quản trị khí hậu toàn cầu cho các quốc gia khác, nhờ những hành động nêu gương".

Hệ thống buôn bán hạn ngạch khí thải mới dự kiến sẽ chiếm tới 1/3 lượng khí thải carbon tại Trung Quốc, vượt qua hệ thống được Liên minh châu Âu (EU) triển khai từ năm 2005 và trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có cân nhắc mở rộng hệ thống này ra ngoài lĩnh vực sản xuất điện hay không.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước