Ngày 10/2, Trung Quốc nối lại hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài vì nCoV. Giới chức Trung Quốc đã thúc giục các ngành công nghiệp quan trọng của nước này như hàng không và sản xuất, hoạt động trở lại càng sớm càng tốt. Phần lớn các doanh nghiệp cũng được khuyến khích mở cửa lại từ 10/2.
Kể cả vào thời điểm đại dịch SARS cũng không khiến doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng cửa lâu như hiện tại. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang tìm giải pháp để cân bằng giữa ưu tiên đảm bảo sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy nền kinh tế hoạt động trở lại dưới áp lực của dịch bệnh.
Trong khi đó, tại các nông trại, hoạt động canh tác đầu mùa cũng bắt đầu rục rịch trở lại. Đây là một đầu mối quan trọng trong bối cảnh ngành nông nghiệp sẽ giúp duy trì nguồn cung lương thực khi dịch bệnh hoành hành.
Dịch bệnh cũng có thể cản trở kỳ vọng của Bắc Kinh đạt mục tiêu tăng trưởng 6% năm nay. Hiện Trung Quốc chiếm tỷ trọng thương mại toàn cầu cao gấp đôi so với khi dịch SARS bùng phát năm 2003.
Tờ Nikkei Asian Review ước tính, nếu giá trị sản lượng của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD, tổng thiệt hại cho phần còn lại của thế giới sẽ lên đến 6,7 tỷ USD. Trong đó, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ chịu tác động lớn nhất và có nguy cơ tiếp tục đình trệ tùy theo diễn biến tình hình dịch nCoV. Ngay cả khi tình hình được cải thiện, nhiều khả năng PBOC sẽ tập trung vào các rủi ro từ việc tăng trưởng chậm lại và đối mặt với sức ép nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!