Việc đồng Nhân dân tệ mạnh lên đã tạo áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, châu Âu, từ đó ảnh hưởng không mấy tích cực đến nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại ở nước này.
Đồng Nhân dân tệ mạnh lên đã khiến chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ. Trong 10 năm qua, chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã tăng 8,5 lần. Do đó, dòng vốn nước ngoài đã dịch chuyển dần sang các thị trường có chi phí rẻ hơn.
Francis Lun, Giám đốc Công ty chứng khoán GEO cho biết: “Chi phí sản xuất tăng đang khiến cho hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt đỏ, điều này làm giảm tính cạnh tranh của thị trường trong nước, khiến cho hoạt động xuất khẩu yếu đi”.
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8,3% trong tháng 7. Nhu cầu suy yếu đến từ các đối tác châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Hoạt động xuất khẩu suy yếu, hàng tồn kho cao, đang làm tăng nguy cơ mất việc làm của hàng triệu công nhân Trung Quốc. Chính vì vậy, nhiều người dân Trung Quốc cũng tỏ ra khá đồng tình với quyết định này của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Anh Wei Zhang, Nhân viên bảo hiểm cho rằng: “Nếu hoạt động xuất khẩu tốt lên thì có nghĩa hàng hóa cũng sẽ bán được nhiều hơn. Đây là điều tốt cho kinh tế đất nước”.
Không chỉ Trung Quốc, hiện đã có hơn chục quốc gia trên thế giới giảm giá đồng tiền của mình trước sự tăng giá của đồng USD.
Động thái phá giá đồng Nhân dân tệ diễn ra chỉ sau một tuần, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo phải đánh giá lại trước khi ra quyết định về việc đưa đồng tiền này vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt của tổ chức này. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đồn đoán, ngoài tác động tốt đến xuất khẩu, Trung Quốc còn muốn đưa đồng Nhân dân tệ biến động sát hơn với thị trường, đáp ứng những yêu cầu của IMF.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.