Hôm nay (29/10), Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 sẽ thông qua "Kiến nghị của Trung ương về Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 14", vạch ra phương hướng phát triển 5 năm sau đại dịch COVID-19 (2021-2025).
Hội nghị cũng sẽ thảo luận và thông qua "mục tiêu viễn cảnh 2035". Đây là thời kỳ quy mô kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ. Do đó, Hội nghị Trung ương lần này được ví là Hội nghị đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Đại dịch tăng tốc thu hẹp khoảng cách, GDP Trung Quốc bằng 73% GDP Mỹ
Kinh tế Trung Quốc đã có sự phát triển thần kỳ khi duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9,3%/năm trong 40 năm sau cải cách mở cửa kể từ năm 1978. Đây là mức tăng trưởng cao và được duy trì trong thời gian dài kỷ lục mà chưa có nước nào vượt qua kể từ thế chiến thứ 2 đến nay.
Kinh tế Trung Quốc đã có sự phát triển thần kỳ khi duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9,3%/năm trong 40 năm sau cải cách mở cửa kể từ năm 1978 (Ảnh: AP)
Nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, Trung Quốc đã lần lượt vượt qua nhiều nước phát triển để trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 2 thế giới. Năm 2006 và 2007, quy mô kinh tế Trung Quốc lần lượt vượt qua Anh và Đức, vươn lên đứng thứ 3 thế giới. Đến năm 2009, Trung Quốc tiếp tục vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Năm 2019, Trung Quốc duy trì tăng trưởng 6,1% và quy mô GDP đạt 14.400 tỷ USD, tương đương 67% GDP của Mỹ (21.430 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu người lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 USD/người/năm.
Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng đã góp phần đẩy nhanh thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa nước này với Mỹ.
Do khống chế hiệu quả dịch bệnh và khôi phục sớm nền kinh tế, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 1 năm nay tuy sụt giảm 6.8% nhưng đã khôi phục mạnh mẽ 3,2% trong quý 2 và 4,9% trong quý 3 năm 2020. Tính chung 3 quý đầu năm 2020, GDP của Trung Quốc tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hội nghị Trung ương lần này được ví là Hội nghị đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất dự báo, GDP Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ tăng 1,9% và là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G20 có tăng trưởng trong năm nay, trong khi GDP của Mỹ dự kiến sẽ giảm 4,3%.
Căn cứ dự báo của IMF, các chuyên gia ước tính, GDP của Trung Quốc năm nay tính theo tỷ giá hiện hành sẽ đạt 15.220 tỷ USD, trong khi GDP của Mỹ sẽ giảm còn 20.800 tỷ USD và GDP của Trung Quốc sẽ tương đương 73% GDP của Mỹ, tăng tới 6 điểm phần trăm so với mức 67% của năm 2019.
Đây là lần đầu tiên có một nền kinh tế có quy mô gần đuổi kịp Mỹ nhất trong vòng 100 năm qua, bởi GDP của Nhật Bản lúc cao nhất cũng chỉ bằng 71% GDP của Mỹ. Cũng trên cơ sở dự báo của IMF cho năm 2021, GDP của Trung Quốc dự kiến tăng 8,2%, trong khi Mỹ chỉ tăng 3,1%, thì khoảng cách giữa hai nền kinh tế tiếp tục được thu hẹp và GDP của Trung Quốc dự kiến tương đương 75% GDP của Mỹ vào năm 2021.
GDP của Trung Quốc năm nay tính theo tỷ giá hiện hành sẽ đạt 15.220 tỷ USD, trong khi GDP của Mỹ sẽ giảm còn 20.800 tỷ USD (Ảnh: AP)
Giai đoạn phát triển mới, thách thức chưa từng có
Lãnh đạo Trung Quốc nhận định, thời kỳ Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2020-2025), kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn phát triển hoàn toàn mới. Truyền thông Trung Quốc giải thích, giai đoạn phát triển mới thể hiện trên các mặt:
(1) Đây là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu bước vào hành trình thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ 2 (cơ bản hoàn thành hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và xây dựng Cường quốc Xã hội chủ nghĩa vào năm 2049) sau khi đã hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất (xây dựng thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020)
(2) Kinh tế Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn tăng trưởng cao sang giai đoạn phát triển cao. Theo đó, động lực đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò chủ đạo
(3) Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội cũng đã có sự thay đổi, chuyển thành "mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của người dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ"
Trung Quốc đối mặt với cục diện thế giới "thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua"
Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận định, giai đoạn phát triển mới, nước này đối mặt với cục diện thế giới "thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua", cơ hội và thách thức đều có sự thay đổi to lớn.
Các nhà phân tích cho rằng, thời kỳ quy hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc sẽ đối mặt với một môi trường quốc tế bất lợi nhất từ cải cách mở cửa đến nay. Cạnh tranh chiến lược Mỹ- Trung sẽ tiếp tục gia tăng cả về quy mô, cường độ và tính chất cho dù ai được bầu làm Tổng thống nước Mỹ vào tháng sau. Các nước phương Tây sẽ ngày càng cảnh giác và thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ đối mặt với một môi trường quốc tế bất lợi nhất từ cải cách mở cửa đến nay (Ảnh: AP)
Không chỉ môi trường chính trị, môi trường kinh tế quốc tế dự kiến cũng sẽ hết sức bất lợi với Trung Quốc. Kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ đại suy thoái 1930 đến nay, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương gia tăng.
Ở trong nước, sự phát triển của Trung Quốc đối mặt với một loạt thách thức lớn, đặc biệt là tình trạng già hóa dân số nhanh. Theo báo cáo mới đây của Quỹ Phát triển Trung Quốc, sau khi bước vào xã hội "già hóa dân số" từ năm 2000, với tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7%, thì năm 2018 tỷ lệ này đã lên đến 11,9%, năm 2019 là 12,6% và dự báo đến năm 2022, Trung Quốc sẽ có 14% dân số trên 65 tuổi. Đây là tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới từ trước tới nay.
Chiến lược "tuần hoàn kép" đối phó với thách thức chưa từng có
Những phương hướng phát triển lớn của Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ được công bố sau Hội nghị này và quy hoạch chính thức phải đến tháng 3/2021 mới được công bố sau khi được Quốc hội thông qua.
Qua phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc thời gian gần đây có thể thấy, chiến lược "xây dựng cục diện phát triển mới, lấy đại tuần hoàn trong nước làm chủ đạo, tuần hoàn trong nước và quốc tế hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau", còn được gọi là "tuần hoàn kép" sẽ là trọng tâm xuyên suốt trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới thậm chí sẽ kéo dài cả thời kỳ "mục tiêu viễn cảnh 2035".
Trung Quốc sẽ tập trung tự chủ hơn về công nghệ và các linh kiện cốt lõi để đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, sản xuất hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước (Ảnh: AP)
Nội hàm cơ bản của chiến lược "tuần hoàn kép" mới của Trung Quốc là đưa các khâu "sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng dựa nhiều hơn vào trong nước". Trong đó, Trung Quốc sẽ tập trung tự chủ hơn về công nghệ và các linh kiện cốt lõi để đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng, sản xuất hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước, đồng thời mở rộng và khai thác thị trường nội địa to lớn để phục vụ tăng trưởng. Lãnh đạo nước này cũng khẳng định, "tuần hoàn trong nước" không phải là "tuần hoàn khép kín" mà sẽ mở cửa với trình độ cao hơn.
Liệu kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng 10 năm tới?
Nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế trong và ngoài Trung Quốc tin tưởng, với chiến lược "tuần hoàn kép", kinh tế nước này sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng "vừa phải", vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" để trở thành nước có thu nhập cao trong 5 năm tới và vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới trong vòng 10 năm tới.
Lập luận được đưa ra là Trung Quốc có ưu thế thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng, trong đó có 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, 170 triệu lao động có trình đại học trở lên và nước này cũng có hệ thống ngành nghề công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới, với đầy đủ tất cả các ngành theo phân loại của Liên hợp quốc.
Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng 10 năm tới? (Ảnh: China Daily)
Đáng chú ý, là dự báo của Trung tâm Nghiên cứu phát triển (DRC) thuộc Chính phủ Trung Quốc được công bố đầu tháng 9/2020. Theo DRC, quy mô nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Liên minh châu Âu vào năm 2027 và vượt qua Mỹ vào năm 2032. Một báo cáo chung của Viện nghiên cứu phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh và Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) công bố hôm 13/10/2020 cũng dự báo, Trung Quốc sẽ bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao sau năm 2025 và vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới sau năm 2030.
Mặc dù vẫn còn ý kiến cá biệt, nhưng dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về quy mô trong 10 năm tới đã trở thành nhận thức chung của giới phân tích kinh tế trong và ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, cho dù quy mô GDP của Trung Quốc bằng Mỹ, nhưng với dân số lớn hơn Mỹ gấp 4 lần, nên mức sống của người dân nước này vẫn còn một thời gian rất dài mới có thể bắt kịp Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!