Vàng miếng SJC đã về quanh mốc 82,25 đến 82,9 triệu đồng/lượng trước phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tại thời điểm 9h10 sáng 23/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,7 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), giữ nguyên mức niêm yết ở chiều mua vào và giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 79,6- 82,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,35 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,15- 82,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở chiều mua vào và giảm 1,15 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng trong nước đã rơi thẳng đứng trước phiên đấu thầu sáng nay.
Với mức giảm trên, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục được thu hẹp. Ở khoảng vùng trên 82 triệu đồng/lượng hiện tại, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đấu thầu đấu tổng khối lượng vàng miếng dự kiến là 16.800 lượng vàng vào ngày 22/4, nhưng do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu; đồng thời cho biết sẽ triển khai vào 10h sáng nay (23/4).
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Theo đó, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng vàng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.
Ngân hàng nhà nước nêu rõ tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu chính là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng kí 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng. Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!