Nhiều năm trở lại đây, nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận kinh tế cao nên nhiều hộ dân đã đầu tư, phát triển hệ thống ao nuôi trên vùng cát ven biển. Điều đáng nói là có những hộ nuôi mang tính tự phát, phát triển ồ ạt, không thực hiện các qui định về đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là tình trạng xả thải trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm môi trường cũng như cảnh quan sinh thái.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, với một diện tích nuôi tôm rất lớn nhưng các hồ nuôi tôm ở đây đều không được bố trí hệ thống xử lý chất thải. Vì vậy, nước và chất thải từ hồ nuôi được thải trực tiếp ra môi trường.
Vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế có hàng chục hồ nuôi tôm thẻ chân trắng
Tại bãi biển thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, những ngày này lượng du khách đến đây giảm mạnh. Những chuyến ra khơi của ngư dân khai thác gần bờ cũng đạt sản lượng thấp. Theo người dân, tình trạng các hồ tôm xả thải trực tiếp ra biển đã ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan môi trường sinh thái cũng như sự sinh trưởng của các loài hải sản ở khu vực này .
Huyện Phú Lộc hiện có trên 100ha diện tích chuyên nuôi tôm, trong đó gần 30ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện phần lớn các hộ nuôi tôm đều chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thả nuôi.
Cảnh quan môi trường sinh thái ở vùng biển huyện Phú Lộc sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu tình trạng xả thải từ các hồ nuôi tôm trên cát không được xử lý dứt điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!