Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 thành viên còn lại đang nỗ lực để cứu vãn Hiệp định này. Hội nghị cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng Thương mại các nước TPP diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21/5/2017 đã nhất trí xúc tiến quá trình xem xét các phương án để phê chuẩn và đưa Hiệp định TPP vào thực thi. Vậy tương lai TPP không có Mỹ hay TPP 11 sẽ như thế nào?
Tạp chí World Politics Review khẳng định TPP sẽ không thể được phê chuẩn nếu không có sự tham gia của Mỹ bởi lẽ Mỹ chiếm tới 60% GPD của cả khối trong khi theo quy định hiện hành, để được phê chuẩn, TPP phải được ít nhất 6 thành viên, chiếm 85% GDP cả khối thông qua.
Do đó, điểm mấu chốt hiện nay là phải xây dựng một vỏ bọc mới cho TPP 11 trong khi vẫn giữ nguyên khuôn khổ và các tiêu chuẩn cao đã được đàm phán trước đó.
Trả lời phỏng vấn trên Bloomberg, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed khẳng định, nếu các nước còn lại muốn tiếp tục theo đuổi TPP 11 thì cần phải tiến hành đàm phán lại. Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand Todd McClay lại cho rằng hiệp định hiện tại cân bằng khá tốt quan điểm và lợi ích của các bên nên không cần đàm phán lại toàn bộ Hiệp định mà chỉ cần điều chỉnh quy định về cách thức để đưa TPP vào thực thi. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Nhật Bản, Australia và Chile.
Trong khi đó, Tờ The Diplomat lạc quan rằng, dù Mỹ không tham gia thì TPP 11 vẫn hứa hẹn đem lại lợi ích cho tất cả các thành viên, trong đó có Việt Nam. Tờ báo này trích dẫn quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko khẳng định lợi ích của TPP không chỉ phụ thuộc vào sự tham gia của Mỹ mà còn nằm ở những tiêu chuẩn cao về thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ và cải cách thủ tục hải quan.
Còn theo Washington Post, TPP11 để ngỏ khả năng tiếp nhận thêm thành viên mới nếu các nước này đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ hoàn toàn có thể quay trở lại TPP nếu nước này đổi ý. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định Washington sẽ không thay đổi quyết định đối với Hiệp định TPP.
Sau Hội nghị tại Hà Nội, đại diện các nước còn lại trong TPP dự kiến sẽ nhóm họp tại Nhật Bản vào tháng 7/2017 để xem xét các phương án hướng tới phê chuẩn và thực thi Hiệp định này. Các nước đặt mục tiêu hoàn tất quá trình xem xét và thống nhất phương án cuối cùng, trước khi nhóm họp trở lại vào giữa tháng 11/2017, bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!