Tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore cao nhất trong hơn một thập kỷ. Ảnh minh họa: The Wall Street Journal
Tỷ lệ thất nghiệp của người dân Singapore đã tăng lên 3,9% trong quý II/2020, so với mức 3,3% trong quý trước đó. Theo số liệu của MOM, riêng tháng 6/2020, có 79.600 công dân Singapore mất việc làm.
Cả ba lĩnh vực gồm chế tạo, dịch vụ và xây dựng đều chứng kiến số lượng việc làm sụt giảm mạnh trong quý II/2020, nhất là trong lĩnh vực bán buôn và trang thiết bị vận tải.
Tuy nhiên, theo đánh giá của MOM, tỷ lệ thất nghiệp nói trên vẫn thấp hơn so với các mức đỉnh điểm trước đó trong giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS). Theo đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp của Singapore đã ở mức 3,3% trong quý III/2009 và 4,8% trong quý III/2003 khi dịch SARS bùng phát.
Nền kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái trong quý II/2020. (Ảnh minh họa: Bloomberg)
Theo Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore Josephine Teo, nhu cầu tuyển dụng sụt giảm là nằm trong dự kiến khi giai đoạn phong tỏa được áp đặt chủ yếu trong quý II (từ ngày 7/4-1/6) nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Singapore cũng đang đối mặt với khả năng ghi nhận mức suy giảm kinh tế sâu nhất trong năm nay, giữa bối cảnh các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại này.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy nền kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái trong quý II/2020 với mức suy giảm kỷ lục 41,2% so với quý trước đó.
Singapore đang đối mặt với khả năng ghi nhận mức suy giảm kinh tế sâu nhất trong năm nay. (Ảnh minh họa: Straitstimes).
MOM cảnh báo môi trường kinh tế bên ngoài vẫn còn yếu và một số nước đang trải qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Các biện pháp quản lý an toàn phòng chống dịch cũng sẽ làm chậm tốc độ phục hồi ở các lĩnh vực khác. Vì vậy, sự suy giảm trên thị trường lao động Singapore có khả năng vẫn kéo dài.
Chính phủ Singapore đã "bơm" gần 100 tỷ SGD (72 tỷ USD) để kích thích nền kinh tế nhằm giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19. Singapore thường được coi như một phong vũ biểu cho "sức khỏe" của thương mại toàn cầu khi nền kinh tế này rất nhạy cảm với các cú sốc bên ngoài. Do vậy, những con số ảm đạm của kinh tế Singapore là một dấu hiệu đáng ngại khác cho nền kinh tế toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!