Tỷ trọng hàng hoá Việt Nam ở các thị trường lớn có chiều hướng tăng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 24/06/2024 20:56 GMT+7

VTV.vn -Dù nhiều thị trường chịu lạm phát, áp lực tỷ giá làm giảm nhu cầu nhập khẩu nhưng tỷ trọng hàng hoá Việt Nam ở các thị trường lớn vẫn không thay đổi và có chiều hướng tăng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá nửa đầu năm nay ước đạt gần 370 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD. Đây là thành quả đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, đồng thời cũng cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu thời gian qua.

Tổng Công ty may Bắc Giang cho biết, các đối tác tìm đến đặt hàng nhiều hơn, đơn hàng dồi dào đến hết năm, vì vậy doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn trong phương án sản xuất cả năm. Trước đây doanh nghiệp phải ký với 30 - 40 khách hàng để có đủ đơn hàng sản xuất, doanh thu, nhưng nay chỉ cần ký với 4 - 5 đối tác thôi đã đủ đáp ứng. Điều này cho thấy các đối tác lớn đã tìm đến doanh nghiệp nhiều hơn nhờ những cải thiện về năng suất và cả năng lực trong khâu thiết kế sản xuất.

Đơn hàng có thể nhiều, nhưng để ký được hợp đồng lâu dài, ổn định nhất là với những nhãn hàng lớn trong chuỗi cung ứng là không dễ. Cũng vì thế, theo các hiệp hội ngành hàng, tỷ lệ doanh nghiệp chuyển từ sản xuất gia công sang mô hình tự phát triển và hoàn thiện sản phẩm tăng mạnh, nhằm chủ động phương án sản xuất dài hạn, tránh biến động của thị trường xuất khẩu.

Ông Dương Nguyên Thành - Phó Chủ tịch Tập đoàn Giza Group cho biết: "Chúng tôi đối diện với bài toán là sẽ phải làm nhiều việc hơn, đến gần khách hàng hơn có nghĩa là hiểu nhu cầu của khách hàng, đồng thời có khả năng phát triển sản phẩm, quản lý chuỗi cung ứng và làm việc có chiều sâu".

Tỷ trọng hàng hoá Việt Nam ở các thị trường lớn có chiều hướng tăng - Ảnh 1.

Tỷ trọng hàng hoá Việt Nam ở các thị trường lớn có chiều hướng tăng. Ảnh minh họa.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 198 tỷ USD, tăng 13,8%, đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp cũng như của các cơ quan quản lý. Theo các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, dù nhiều thị trường chịu lạm phát, áp lực tỷ giá làm giảm nhu cầu nhập khẩu nhưng tỷ trọng hàng hoá Việt Nam ở các thị trường lớn vẫn không thay đổi và có chiều hướng tăng.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: "Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 44,43 USD, tăng 22,3%. Đây là mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng bình quân 15%. Hiện Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu dẫn đầu trong các nước ASEAN khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chiếm hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN".

Tín hiệu thị trường tốt là cơ sở để doanh nghiệp đầu tư, tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất. Đây là lúc các chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất, thuế, phí càng phải thể hiện vai trò trợ lực nhanh và trúng, để doanh nghiệp không lỡ nhịp tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Nghị quyết số 93 của Chính phủ vừa được ban hành mới đây cũng đã yêu cầu tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước