USD tăng giá, doanh nghiệp ứng phó linh hoạt

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 30/04/2024 08:19 GMT+7

VTV.vn - Việc tỷ giá hối đoái biến động đang tác động đến doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu.

Để mua 1 USD tại ngân hàng Vietcombank, hiện người dân phải bỏ ra 25.458 đồng. Con số này đã tăng thêm hơn 1.000 đồng, tương đương 4,2% so với đầu năm. Việc tỷ giá hối đoái biến động đang tác động đến doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp mỗi tháng chi 160.000 USD tương đương khoảng 4 tỷ đồng để nhập khẩu thép nguyên liệu gia công, sản xuất khuôn mẫu.

Chỉ 1 đồng tăng thêm của tỷ giá hối đoái sẽ khiến cho chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp tăng thêm khoảng 200.000 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, riêng tiền nhập khẩu nguyên vật liệu đã bị cộng thêm 500 triệu đồng.

Để duy trì được lợi nhuận, doanh nghiệp lên kế hoạch tăng giá bán, nhưng rất có thể phải đối mặt với đơn hàng sụt giảm.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Fine Mold Việt Nam cho biết: "Giá bán sẽ phải tăng lên 5-10%, chi phí cơ hội để mình cạnh tranh với các đơn vị khác đầu tư ở Việt Nam hoặc chính những doanh nghiệp nội cũng khó khăn hơn rất nhiều".

USD tăng giá, doanh nghiệp ứng phó linh hoạt - Ảnh 1.

Việc nhiều đồng tiền trên thế giới, việc mất giá chủ yếu do đồng USD đã mạnh lên khoảng 5%

Ngược lại, với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu lại được hưởng lợi từ việc đồng USD tăng giá, doanh thu quý I của doanh nghiệp tăng hơn 45%. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá đã khiến nhiều đồng tiền khác mất giá mạnh hơn VNĐ, như đồng Rupiah của Indonesia mất khoảng 4,7%, mất giá gần 6% là đồng Won của Hàn Quốc, đồng Bath của Thái Lan là 7,8%, thậm chí đồng Yen của Nhật Bản còn mất giá gần 9%. Nhật Bản là thị trường chiếm hơn 40% thị phần, nên khi đồng Yen mất giá gấp đôi VNĐ thì doanh nghiệp buộc phải tìm hướng đi.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm Sao Ta nhận định: "Ánh sáng lóe ra ở cuối đường hầm là người tiêu dùng có sở thích gì, những sản phẩm nào có thể bán được tốt thì chúng ta tập trung vào, khai thác mảng đó, lấy lượng bù cho đồng lời".

Quý I vừa qua, Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD cũng góp phần giảm áp lực tỷ giá. Để ổn định cung cầu ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 200.000 tỷ đồng tín phiếu, công khai việc bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm, giảm nhu cầu mua vàng bằng USD. Điều này giúp tỷ giá đã hạ nhiệt khoảng 30 đồng. Và biện pháp mạnh tay hơn cũng đã sẵn sàng.

Ông Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu ý kiến: "Có thể phải dùng dự trữ ngoại hối nếu cần. Hiện nay dự trữ ngoại hối của chúng ta cơ bản tương đối ổn so với trước đây, tương đương với khoảng 3,34 tháng nhập khẩu, trên chuẩn của IMF ba tháng nhập khẩu một chút".

Việc nhiều đồng tiền trên thế giới, việc mất giá chủ yếu do đồng USD đã mạnh lên khoảng 5%. Theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá vẫn lớn trong nửa đầu năm nay và sau đó suy giảm dần từ giữa quý III khi Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước